00:00 Số lượt truy cập: 2996921

Nguy cơ thiếu nguyên liệu cá tra, ba sa 

Được đăng : 03/11/2016
Giá cá tra, ba sa đang tăng nhưng người nuôi cá vẫn không nuôi vì lo ngại điệp khúc “sau tăng là giảm” như vẫn thường xảy ra lâu nay.

Sau gần 3 tháng giá cá tra, cá ba sa xuống thấp thì đầu tháng 9-2008, giá cá tra đã tăng 1.000 đồng - 1.500 đồng/kg. Đã có hiện tượng nông dân giữ cá không chịu bán giá thấp cho doanh nghiệp (DN) dù chỉ tháng trước họ không cách nào bán được hàng, phải để cá quá lứa.

Giá tăng nhưng vẫn lỗ!

“Giá cá tra quá cỡ hiện đã nhích lên 14.000 đồng/kg, cá đúng cỡ (0,8 - 1 kg/con) đạt 15.000 đồng - 15.500 đồng/kg. Đây là tín hiệu khả quan cho người nuôi cá” - ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, nhận định. Giới chuyên môn trong ngành phân tích, giá cá tra tăng trở lại do nhiều DN ký được hợp đồng xuất khẩu mới, lượng cá tồn đọng đã giảm, trong khi có tin các DN đã “ngốn” hết vùng nguyên liệu cá tra do chính họ nuôi và bắt đầu “tỉa dần” ra vùng nguyên liệu cá dân nuôi nên giá đã nhích lên. Tại Cần Thơ, một số hộ nuôi cá đã khước từ bán cá tra với giá 13.000 đồng/kg đã ký trước đó với DN.

Thực tế, dù giá cá tăng nhưng nông dân vẫn lỗ. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Hiệp Thanh (Cần Thơ), giá thành sản xuất cá tra hiện nay là 16.650 đồng/kg (được tính trên 12 khoản chi: con giống, thức ăn, hóa chất, lãi suất ngân hàng...). Nếu bán với giá 14.000 đồng - 15.000 đồng/kg, nông dân lỗ 1.000 đồng - 2.500 đồng/kg. Trong 3 tháng qua (tháng 6 đến tháng 9-2008), giá thức ăn đã 3 lần tăng giá.

Người nuôi “treo hầm”

Nhiều DN hiện nay đang lo thiếu nguyên liệu trong thời gian tới vì nhiều hầm cá đã bị “treo” trong 2-3 tháng qua do người nuôi cá lỗ nặng. Theo đánh giá của Sở Công Thương Cần Thơ, có ít nhất 50% nông dân nuôi cá sẽ vẫn “treo hầm” trong vụ tới. Tình trạng này ở An Giang, Đồng Tháp... cũng không khả quan gì hơn. Nông dân “treo hầm” nguy cơ DN “treo máy” trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Đây cũng là hệ lụy tất yếu của kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì”. Giá cá tra đang tăng và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới nhưng nhiều người nuôi cá vẫn chưa mặn mà nuôi trở lại mà vẫn thận trọng vì lo sợ diễn biến giá “sau tăng sẽ là giảm”. Nhìn lại diễn biến giá cá tra từ đầu năm đến nay, những lo ngại trên không phải không có lý. Tháng 4-2008, giá cá tra đạt 15.500 đồng/kg, có lúc lên gần 16.000 đồng/kg. Ở thời điểm đó người nuôi cá tra lâu năm đã cảnh báo sau “củ cải là cây gậy” và thực tế đã diễn biến đúng vậy: Tháng 6 giá cá bắt đầu rớt dài đến cuối tháng 8-2008.

Quên hẳn thị trường nội địa

Tình trạng đáng báo động ở đây là hiện chưa có giải pháp cụ thể, hoặc biện pháp chế tài để định hướng phát triển bền vững ngành nuôi và chế biến cá tra, ba sa. Nhiều hội nghị cấp vùng, cấp địa phương diễn ra liên tục ở các tỉnh ĐBSCL chỉ dừng lại mức khuyến cáo: Liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị từ vùng nuôi đến thành phẩm xuất khẩu; liên kết bốn nhà... Thậm chí có người đề nghị: Nuôi cá tra cần phải có cấp giấy phép (để hạn chế nuôi tự phát)... Song, nhà máy thủy sản cứ mọc lên như nấm, gây ô nhiễm tràn lan; nông dân cứ phập phồng. Sau mỗi lần được giá diện tích nuôi cá tra, basa ở ĐBSCL cứ phình ra mãi, rồi khi giá cá rớt mạnh thì hàng loạt bè nuôi cá trên sông Hậu biến thành củi đốt trong 3 năm qua là một minh chứng.

Đáng buồn hơn, các DN chỉ lo xuất khẩu mà quên hẳn thị trường nội địa hơn 80 triệu dân. Ai cũng biết giá trị dinh dưỡng và nhiều món độc đáo được chế biến từ cá tra, basa, nhưng tại nhiều quán ăn, nhà hàng nổi tiếng ở Cần Thơ khi thực khách hỏi có cá basa không thì nhận được câu trả lời: “Cá sapa (cá nhập khẩu) thì có, ba sa thì không”...

Ông Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT:

Phải dãn nợ và tiếp tục cho vay vốn

Thời gian qua giá cá tra, ba sa giảm mạnh, người nuôi không tiêu thụ được cá nên nhiều hộ không còn mặn mà với con cá này nữa. Việc hỗ trợ các hộ nuôi trồng như vay vốn ngân hàng, dãn nợ hiện vẫn chưa thể giải quyết được do mức lãi suất còn quá cao, điều kiện vay bị trục trặc do ngân hàng không cho vay đối với những dự án nuôi trồng đang bị thua lỗ. Nguy cơ thiếu nguyên liệu cho những tháng cuối năm là rất lớn. Để khuyến khích người nuôi đầu tư tiếp cho mặt hàng này thì phải dãn nợ cho họ, tiếp tục cho vay vốn. Việc hỗ trợ vốn cần phải có hợp đồng giữa người nuôi và DN chế biến xuất khẩu để tránh thua thiệt cho người nuôi.

Hiện nay dự thảo quy hoạch vùng nuôi trồng cá tra, ba sa đã cơ bản hoàn thành. Bộ NN-PTNT cũng đã có tờ trình lên Chính phủ là giữ mức nuôi cá tra, ba sa trong năm nay là 1,2 triệu tấn và năm 2009 cũng ở mức này. Các tỉnh thành có vùng nuôi cá tra, ba sa cũng phải có quy hoạch chi tiết, gắn kết các vùng nguyên liệu, tiêu chuẩn, điều kiện nuôi...

N.Hải ghi