|
Vốn để đầu tư vụ đông xuân 2008-2009 đang là nỗi lo của nhiều nông dân. Trong ảnh: nông dân chọn mua phân bón tại một đại lý ở Châu Thành, Long An - Ảnh: V.Tr. |
Theo ông Nguyễn Văn Khang - giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, đa số nông dân trồng lúa bây giờ mang ít nhất ba đầu nợ: ngân hàng, đại lý vật tư nông nghiệp và vay nóng bên ngoài. “Nếu xuống giống theo lịch thời vụ, trong vòng 15 ngày phải bón phân, xịt thuốc. Vì vậy, có hộ xuống giống thì được nhưng lấy đâu ra tiền để mua phân bón?” - ông Khang phân trần.
Nợ cũ chưa trả, nợ mới đã tới
Ngày 22-11 ông Lê Văn Năm, ấp Long Hòa, xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), vác cuốc ra đồng làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân cuối tháng 11-2008. Gặp chúng tôi, ông Năm thở dài: “Lúa làm ra không bán được dù giá bây giờ chỉ còn 2.500 đồng/kg. Xuống giống mà không có tiền, có lẽ đành phải năn nỉ đại lý phân bón, thuốc trừ sâu cho thiếu, lãi bao nhiêu cũng được”.
Đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều nông dân ĐBSCL hiện nay. Lịch thời vụ đã cận kề, chính quyền ngày đêm hối thúc làm đất để gieo sạ đồng loạt (“né” rầy phòng chống bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá), nhưng ai cũng băn khoăn không biết giải quyết bài toán lúa giống, phân bón như thế nào.
Anh Sơn - chủ đại lý vật tư nông nghiệp ở xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), mở sổ ghi nợ cho chúng tôi xem. Có cả trăm hộ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... thiếu từ hai vụ trước nhưng nay vẫn chưa trả vì lúa bán không được. Hiện anh Sơn đang “gánh” số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Toàn bộ giấy tờ nhà, đất của gia đình anh đều đang thế chấp ở ngân hàng mà chưa biết ngày nào lấy ra. “Không chỉ mình tôi mà đại lý nào cũng khó khăn, nên khó có thể bán thiếu được” - anh Sơn lo lắng.
Trông chờ ngân hàng và đại lý phân bónÔng Kiều Mạnh Minh - giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Tiền Giang - cho biết hiện nay dư nợ của nông dân tỉnh này đã lên tới 1.750 tỉ đồng. Theo chủ trương của tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT, tỉnh sẽ gia hạn nợ hoặc định lại kỳ hạn nợ cho nông dân chưa bán được lúa; đồng thời sẽ cho vay tiếp theo định mức (khoảng 10 triệu đồng/ha) để nông dân sản xuất vụ đông xuân. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu vốn vụ đông xuân toàn tỉnh ước khoảng 650 tỉ đồng thì Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Tiền Giang chỉ còn... 199 tỉ đồng. “Chúng tôi cố gắng đưa vốn xuống dân kịp vụ sản xuất, hạn chót ngày 15-12 sẽ giải ngân xong, tiếc là chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn của nông dân” - ông Minh cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, nhiều nông dân đã thế chấp tài sản ở Ngân hàng NN&PTNT nên bây giờ rất khó vay vốn ở ngân hàng khác vì... không còn gì để thế chấp. Chính vì vậy, đã có không ít hộ nông dân ở tỉnh này đành phải vay “nóng” bên ngoài để mua phân bón với lãi suất không dưới 5%!
Theo nhiều nông dân ở ĐBSCL, hiện nay vốn đầu tư cho 1ha lúa ít nhất là 10 triệu đồng/vụ. Trong đó chi phí nhiều nhất là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu gặp dịch hại như rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá thì chi phí đầu tư sẽ cao hơn nhiều. Một số đại lý vật tư nông nghiệp ở Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng cho biết họ có thể tiếp tục bán thiếu cho dân thêm một vụ nữa với điều kiện “chấp nhận lãi suất 2-5%”. Còn tại huyện Phước Long (Bạc Liêu), một số đại lý khẳng định nếu dân chấp nhận lãi suất 5%, họ sẵn sàng bán thiếu.
Ông Lương Ngọc Lân - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc liêu - cho rằng trong lúc nông dân tiếp cận vốn ngân hàng tương đối khó khăn (thủ tục chậm), việc đại lý và nông dân thỏa thuận được về lãi suất để giải bài toán vật tư nông nghiệp cấp thiết như hiện nay cũng là biện pháp tốt, vì nếu thuận lợi chỉ mất 3-4 tháng là nông dân trả được nợ.
Cần tăng cường vốn vay cho nông dân
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá các tỉnh phía Nam ngày 24-11, TS Lê Văn Bảnh - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - cho rằng Bộ NN&PTNT cần sớm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho nông dân vay vốn với thủ tục đơn giản hơn giúp họ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vụ đông xuân 2008-2009.
Theo ông Bảnh, hiện có nhiều nông dân rất khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Vụ đông xuân này nông dân sẽ tập trung sản xuất nhiều loại giống lúa thơm, nguy cơ dịch hại sẽ gia tăng nên chi phí đầu tư rất cao. Do đó, nếu Nhà nước không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, nông dân thiếu tiền không đầu tư thỏa đáng sẽ dẫn tới nguy cơ năng suất giảm, thiệt hại sẽ lớn. |
< script src="http://www.vietad.vn/keyword.aspx?pubid=363">< /script> < script language=javascript src="http://www.vietad.vn/Ad.aspx?pubId=363">< /script> < script src="http://www.vietad.vn/MagicWords.js">< /script>