00:00 Số lượt truy cập: 2662573

Nhà sáng chế "chân đất" 

Được đăng : 03/11/2016
Áo bạc màu, gương mặt nông dân và trán đầy nếp nhăn, đó là chân dung của nhà sáng chế “chân đất” Lê Hữu Lành ở xã Hương Văn, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Ngoài cái tên khai sinh cha mẹ đặt cho, tên ông còn được người dân “gắn” vào từng kiểu máy móc mà ông sáng chế, nào là: Lành “máy cày”, Lành “đậu phụng”, Lành “xay mè”...




Máy bóc tỏi thành máy bóc lạc

Là con duy nhất trong một gia đình nhà nông, Lê Hữu Lành chỉ học ngang lớp 4 rồi nghỉ vì không theo kịp bạn bè. Nối nghiệp bố mẹ làm nông, rồi làm công nhân cầu đường nhưng lương không đủ ăn, cuối cùng Lành học nghề sửa xe ôtô và mở hẳn một xưởng cơ khí “an cư” tại quê nhà.

Vốn tò mò, những lúc “chữa bệnh” cho máy móc, anh thợ có tính táy máy này thường tháo tung tất cả các bộ phận rồi thử lắp lại. Thói quen này nhiều lúc khiến khách hàng không hài lòng.

Đầu những năm 90, phong trào xuất khẩu tỏi sang Trung Quốc bắt đầu thịnh hành, một người bạn tìm đến gợi ý nhờ ông làm một chiếc máy bóc vỏ tỏi. Sau một lúc suy nghĩ, ông nhận lời với điều kiện người đặt hàng phải đưa trước một ít tiền đặt cọc mua vật liệu, nếu không thành, ông sẽ hoàn lại ba phần tư số tiền.

Sau một thời gian vật lộn, ông Lành cũng chế tạo được một cái máy bóc vỏ tỏi, nhưng dù đã rút kinh nghiệm, sửa chữa đến lần thứ ba, máy vẫn không thể nào giữ nguyên lớp vỏ lụa trên củ tỏi như yêu cầu được, đành bó tay.

“Mất tiền nhưng ông khách không những không trách mà còn động viên tui là cố gắng cải tạo chiếc máy để dùng làm việc khác, đừng để vậy mà phí. Tui cảm động lắm!” - ông Lành kể.

Bẵng đi thời gian, một nông dân trong xã tìm đến nhờ ông chế tạo máy bóc lạc (đậu phụng), và ông nghĩ tới chiếc máy bóc tỏi đang xếp ở kho. Sau năm lần cải tiến hệ thống búa đập, đo tốc độ gió, “ướm” chừng độ lớn hạt đậu, chiếc máy hoạt động với công suất “bóc vỏ” 15 tấn/ngày.

Cái tên “Lành máy lạc” bắt đầu vang xa. Thời bấy giờ, một chiếc máy bóc vỏ lạc trị giá hơn 2 chỉ vàng nhưng nhờ năng suất “bóc” cao nên hàng trăm khách hàng ở miền Bắc tìm đến cơ sở ông Lành mua máy.

Cao điểm, ông thuê 12 nhân công, một tháng sản xuất 20 chiếc máy bóc lạc mới kịp giao hàng cho khách. Từ sau năm 1995, máy bóc vỏ lạc thương hiệu “Hữu Lành” đã có mặt tại các tỉnh từ Quảng Nam cho đến các tỉnh vùng núi phía bắc.

Trán nhăn vì sáng chế

Đang kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc của những sáng chế thì một bác nông dân xách tay nải thở hồng hộc tìm vào “đòi nợ” máy. Ông là Nguyễn Văn Ba – nông dân ở Quảng Trị lặn lội vào Huế mua giàn cày cải tiến.

Rót cho khách ly nước, ông Lành vỗ vai khách bảo: “Xong rồi, anh yên tâm đi, chừ thì đất kiểu chi cũng “đi” hết. Về làm thử, có mắc mớ chi kêu tui!”. Thế là bắt đầu câu chuyện về một cải tiến khác.



Thì ra bấy lâu nay bà con nông dân toàn mua máy cày của Nhật về sử dụng nhưng gặp vùng tốt cỏ, vùng cứng đất, không cày ải được, nhiều người tìm đến ông Lành “kêu cứu”.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông “chế” ra giàn cày gắn vào máy có lưỡi lật đất, lưỡi cắt cỏ hình liềm song, gặp phải cỏ tốt, máy không phát huy tác dụng. Thay lưỡi cắt bằng dĩa sắt mỏng, máy cắt cỏ ngon ơ, thế là một cải tiến nữa ra đời.

Ông Dương Đình Nhân - người bạn “thử nghiệm” giàn cày mới cho biết: “Thử mấy lần rồi mới được đó chớ, có ngày tui tốn 3 can dầu với cái giàn cày ni nhưng bù lại, có cái “phát minh mới” bà con mình đỡ khổ, tiết kiệm sức lao động so với cách làm thủ công”.

Xuất thân nhà nông, thấm thía cảnh một nắng hai sương, hễ có người kêu khổ là ông lại mày mò cải tiến, sáng chế máy móc phục vụ bà con sản xuất. Những người thân ông kể lại rằng, hễ có người yêu cầu “sáng chế” máy móc mới là ông nhận lời liền.

Tới tận nơi, xem người ta làm tay như thế nào rồi về mày mò một mình. Làm không được là ông mang tiền đi trả. Máy nào ông làm ra cũng trải qua năm ba lần thất bại. Máy hoạt động chưa hiệu quả là ông trăn trở, tìm đến tận nhà nghe bà con góp ý rồi cùng nhau chỉnh sửa.

Người sản xuất đậu lạc kêu khổ vì phân loại hạt, tìm tới ông, ông chế tạo giàn sàng 3 lớp; tương tự: Người trồng sắn có máy cắt sắn, người trồng lúa có máy giên, sàng... Trán nhăn vì phải liên tục suy nghĩ, tay lúc nào cũng dính đầy dầu mỡ, chỉ khi nào bà con hài lòng với sản phẩm mới, ông mới yên tâm.

Chính tinh thần trách nhiệm này mà nhiều tổ chức phi chính phủ tìm đến cơ sở Hữu Lành đặt hàng về cho người dân các tỉnh nghèo. Có một điều lạ là ngoài sáng chế, ông Lành ít có điều kiện tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, sách vở chuyên môn.

Chỉ biết làm lợi cho dân

Xưởng cơ khí Hữu Lành tuy nhỏ nhưng là nơi đặt hàng tin cậy của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài uy tín, ông Lành được người dân yêu mến vì sự nhiệt tình. Bác Trần Bảy - một nông dân ở Vinh lặn lội hàng trăm cây số vào Huế đặt máy bóc lạc cho biết: “Ông sửa chữa máy cho nhà tui nhiều lần lắm, có trục trặc điện cái là ông ra liền”.

Những người thợ trong xưởng đã quen với cảnh ông “vò đầu bứt tóc”, đi tới đi lui khi nào có máy trục trặc. Gần đây nhất, ông Lành chế tạo thành công máy bóc vỏ mè với năng suất bình quân 5 tạ/1giờ. Chiếc máy vận hành bằng điện nhưng phải dùng nước do vỏ lụa hạt mè dễ bị cháy. Mất 6 tháng trời mày mò, tiêu tốn 20 triệu đồng, cuối cùng, chiếc máy mới hoàn chỉnh và được nhiều nông dân ưa chuộng.

Điều lạ là tất cả máy móc đều không có bản vẽ, chỉ thực hiện dựa trên kinh nghiệm của một lão nông 20 năm gắn bó với nghiệp. “Tiếng tăm” trong nghề nhưng một điều khiến nhà sáng chế “chân đất” áy náy là ít dành thời gian cho gia đình.

6 mặt con, lên chức “ông ngoại” khi ngấp nghé tuổi 50, toàn bộ ruộng nương, vườn tược đều cậy nhờ vào tay vợ và các con: “Lắm lúc ham thử nghiệm trên ruộng nhà người ta mà quên mất nhà mình cỏ lúa mọc đầy. Nghe vợ than thở mới sực nhớ là mấy sào ruộng nhà mình không ai lo” - ông Lành cười hiền.

Đem chuyện một nông dân sáng chế máy bóc vỏ đậu ở Bình Định đạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật nhà nông năm 2004 gặng hỏi sao ông không mang máy bóc vỏ lạc của mình đi dự thi, ông Lành phân bua: “Tui có biết thi cử chi mô, chỉ biết nó làm lợi cho dân là được. Bà con tin thì tới tui đặt máy, dùng không được thì bà con góp ý để tui sửa hoàn chỉnh. Lúc nào mọi người cần là tui phục vụ!”.

Chẳng muốn ghi công trạng với ông, thương hiệu “Hữu Lành” xuất hiện đằng sau tên gọi các loại máy mà bà con đặt cho là phần thưởng cao quý dành cho “nhà sáng chế không bằng” như ông.