HOA TÀN HOA NỞ THẬT VÔ TÌNH
Đi dọc ven sông Sài Gòn vào những ngày đầu tháng 12, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều vườn mai chuẩn bị phục vụ Tết Canh Dần 2010 đang có nguy cơ mất trắng. Dẫn chúng tôi ra vườn mai, anh Lê Văn Thành (KP4, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức) mếu máo: “Cả vườn mai chờ vô chậu bán tết giờ tan tác thế này đây. Triều cường lên mấy đợt ngập tứa lưa, nước rút, nắng lên mai đua nhau nở sạch. Tết này đói rồi”. Tương tự anh Thành, vườn mai của ông Nguyễn Thanh Tâm (phường Hiệp Bình Phước) có 135 gốc mai thì đã nở hết 80 gốc. Buồn hơn là hoàn cảnh ông Nguyễn Văn Sáu (phường Bình Chiểu) trồng 100 gốc và nhận chăm sóc cho khách 30 gốc mai thì hơn 60% mai trong vườn đã bung hết nụ.
Không chỉ ở TPHCM mà tại các xã ven sông của tỉnh Bình Dương, tình trạng “mai ăn tết sớm” cũng đang diễn ra trong nước mắt nhà vườn. Vào dịp này hàng năm, làng mai truyền thống tại xã Vĩnh Phú (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) thường rất xôm tụ nhưng năm nay tình hình lại khác. Nhiều vườn mai xơ xác, số chết, số nở toé loe. Một nỗi buồn bao trùm cả làng mai. Ông Phạm Văn Hiếu (38 tuổi), ngụ tại 2/17 ấp Đông, xã Vĩnh Phú cho biết: “Năm nay triều cường dâng cao đột biến. Mai bị ngâm nước cả tuần lễ nên một số bị thối rễ chết, một số còi cọc hoặc bị rụng lá đồng loạt, sau đó nở sạch. Mai không hoa thì chỉ đem làm củi chứ bán ai mua. Trong số 400 gốc mai ghép, hơn 40% bị chết hoặc nở hoa. Tôi trồng mai cả chục năm nay nhưng chưa năm nào thất bại như năm nay” - ông Hiếu cho biết.
Chị Phan Thị Lý, người dân ở ấp Phú Hội, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An với ánh mắt đầy vẻ xót xa cho biết gần trăm gốc mai nhà chị đã bị rụng lá trơ trụi sau khi bị ngập nước, một số gốc mai sau khi nước rút bắt đầu bung nụ đầy cành, nhiều cây mai hiện đã nở rộ. Chị Lý cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp người trồng mai như chị thất thu chỉ vì ngập nước do triều cường gây bể bờ bao.
Mai nở sớm thì dù sao vẫn còn cơ hội chờ sang năm nhưng mai chết thì quả thật là bi kịch với nhà vườn. Nhiều gốc mai trị giá vài chục triệu nở sớm đã đẩy nhiều nhà vườn vào cảnh nợ nần chồng chất.
Những gốc mai bạc triệu này phải “nghỉ hưu” chờ tết sang năm vì nở sớm
ĐỔ NỢ VÌ MAI
Mai thất thu nhưng nợ ngân hàng để mua phân, thuốc trừ sâu... thì phải trả. Tình trạng này đẩy nhiều hộ trồng mai rơi vào cảnh điêu đứng. “Từ đầu năm tôi đã phải vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua phân bón, giờ mai thế này không biết lấy gì trả nợ”, ông Phạm Văn Hiếu cho biết. Mai nhà mất đã đành, nhiều hộ còn phải gánh thêm nợ với số mai nhận chăm sóc hoặc ký gửi. “Mùa này tôi phải đền 60 gốc mai gửi chăm sóc. Gốc đắt nhất là 25 triệu đồng, thấp nhất 600 nghìn đồng, tiền thuê mỗi mùa tết bằng 30 - 50 phần trăm giá trị cả cây, không thực hiện đúng hợp đồng, tôi phải mướn mai khác cho người ta, phải mất hơn 100 triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Sáu (phường Bình Chiểu, Q. Thủ Đức) cho biết. Theo các nhà vườn, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mai nở sớm hơn so với thời điểm của các năm trước là do mai bị ngập nước cộng với tình hình thời tiết lạnh xảy ra sớm từng đợt, và một lí do khách quan khác là năm Kỷ Sửu có 13 tháng (nhuận hai tháng 5) nên kéo dài thời điểm đến Tết Nguyên đán.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết hầu nên người trồng mai đều phải tuân theo ý trời. Riêng tại phường Linh Đông, Q. Thủ Đức, ông Ba Sơn - một trong những nghệ nhân nổi tiếng trong vùng đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng gia cố bờ bao che chở cho 5.000 gốc mai nên vùng này chỉ duy nhất vườn mai của ông không bị những đợt triều cường tấn công. Nghệ nhân Ba Sơn cho biết: “Chăm sóc mai như chăm đứa trẻ con, phải nắm được chu kỳ phát triển của cây. Mỗi thời kỳ cung cấp một loại dinh dưỡng khác nhau và phòng chống sâu bệnh cũng khác nhau. Mai là loại cây chịu ngập úng rất kém, thông thường mai sẽ vàng lá và rụng nếu ngập úng kéo dài. Sau các đợt ngập úng nếu gặp thời tiết nắng ấm là mai rất dễ trổ bông, do đó việc khống chế cho mai nở kịp tết là điều vô cùng khó khăn. Cách tốt nhất vẫn là phòng hơn chống”.