00:00 Số lượt truy cập: 2983191

Nhận biết đàn lợn bị bệnh tai xanh 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi:Đàn lợn nái của gia đình tôi có hiện tượng sảy thai, thai chết lưu và lợn con sơ sinh chết yểu; đồng thời lợn con theo mẹ, lợn choai có tỷ lệ cao bị viêm đường hô hấp. Tôi nghi ngờ lợn bị bệnh tai xanh. Xin Ban Biên tập cho biết nhận định của tôi có đùng không, phương pháp phòng, trị bệnh thế nào cho hiệu quả?

Phạm Văn Đông (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).


Đáp:

Trong các cơ sở chăn nuôi lợn sinh sản, nếu thấy đàn lợn nái có hiện tượng sảy thai, thai chết lưu và lợn con sơ sinh chết yểu; đồng thời lợn con theo mẹ, lợn choai có tỷ lệ cao bị viêm đường hô hấp thì phải nghĩ đến hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp do virút (còn gọi là bệnh tai xanh). Tuy nhiên, lợn nái bị sảy thai còn do nhiều virút và vi khuẩn khác như: virút Parvo, virút Aujeszky,virút dịch tả lợn, vi khuẩn Brucella abortus và vi khuẩn Leptospiraspp. Do vậy, cần tiến hành chẩn đoán vi sinh vật như: nuôi cấy tìm virút trong bệnh phẩm thu thập từ lợn nghi bị bệnh.

Virút xâm nhập vào cơ thể lợn qua niêm mạc đường hô hấp, khi lợn hít thở không khí có mầm bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể lợn, virút tác động đến cơ quan sinh dục của lợn cái gây ra hiện tượng viêm tử cung và âm đạo, làm giảm tỷ lệ thụ thai, đặc biệt gây sảy thai ở lợn cái có thai thời kỳ 2, chết lưu thai ở lợn có thai thời kỳ 3, đẻ non và làm lợn con chết yểu. Lợn con theo mẹ và lợn sau cai sữa bị bệnh là do lợn mẹ truyền mầm bệnh. Những lợn con này thường gầy yếu, thể hiện hội chứng viêm phổi rõ rệt: chảy dịch mũi, thở khó, ho nhiều về ban đêm và sáng sớm, nhất là khi thời tiết trở lạnh. Ở các đàn lợn con mà lợn mẹ bị bệnh thì tỷ lệ bị lây bệnh có thể tới 30 - 40% và tỷ lệ chết 5 - 10%.

Sau thời gian ủ bệnh khoảng 4 - 7 ngày, lợn con sốt cao 40 - 41,70C, kém ăn, uể oải, sau đó thể hiện các triệu chứng viêm phổi như: thở khó (thở thể bụng), ho tăng dần và chảy dịch mũi. Đặc biệt, lợn con và lợn choai bị bệnh phần lớn tai bị xanh từng đám như nốt chàm nên còn được gọi là “lợn tai xanh”.

Mổ khám lợn nái bị bệnh thấy niêm mạc tử cung âm đạo bị tổn thương, chảy dịch nhày và mổ khám lợn con bị bệnh thường thể hiện: khí quản có dịch và bọt khí, phế nang tụ huyết và viêm nhục hoá, bị hoại tử từng đám nhỏ. Một số lợn còn thấy dịch mủ trong khí quản và phế nang do nhiễm khuẩn thứ phát.

Lợn đực giống bị bệnh không thể hiện rõ các triệu chứng lâm sàng nhưng vẫn mang virút và có thể truyền virút cho lợn cái khi phối giống.

* Điều trị bệnh

Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu mà chỉ tiến hành điều trị các bệnh bội nhiễm do vi khuẩn gây ra.

Ở các nước nuôi lợn công nghiệp với quy mô lớn thuộc Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi, khi phát hiện trong đàn lợn có bệnh rối loạn sinh sản và hô hấp thì người ta thường diệt số lợn bị bệnh và thay thế cả đàn lợn có bệnh rối loạn sinh sản ở cơ sở chăn nuôi, bởi lẽ bệnh tồn tại và lưu hành lâu dài trong đàn lợn, rất khó thanh toán.

* Phòng bệnh

Bốn biện pháp sau đây đã được áp dụng trong phòng, chống hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn:

- Dùng vắcxin nhược độc và vắcxin vô hoạt tiêm phòng bệnh cho đàn lợn ở những vùng xuất hiện bệnh theo định kỳ: 2 lần/năm. Nhưng hiện nay, chưa có vắcxin nào có hiệu lực phòng bệnh như mong muốn. Tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm cho lợn, đặc biệt là 4 bệnh đỏ.

- Ứng dụng các phương pháp chẩn đoán miễn dịch (ELISA, IFAT) để phát hiện sớm lợn bị bệnh và lợn mang virút, xử lý kịp thời bằng cách: huỷ bỏ lợn mang virút để tránh lây nhiễm bệnh trong đàn lợn. Biện pháp này được thực hiện theo định kỳ kết hợp với theo dõi lâm sàng, dịch tễ trong đàn lợn cho phép phát hiện sớm lợn bệnh. Ở những cơ sở chăn nuôi lợn mà bệnh tồn tại lâu dài, gây nhiều thiệt hại cho đàn lợn, người ta phải thay cả đàn lợn giống và để trống chuồng trong một thời gian 3 - 4 tuần.

- Thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại và môi trường chăn nuôi, có sử dụng phun thuốc sát trùng định kỳ 2 tuần/lần (Iodin 1%).

- Kiểm dịch nghiêm ngặt khi xuất nhập lợn, đặc biệt là khi nhập lợn vào cơ sở chăn nuôi. Người ta không nhập lợn ở các cơ sở chăn nuôi xuất hiện bệnh và các vùng dịch tễ.