00:00 Số lượt truy cập: 3084216

Nhân giống thủy sản cho vùng đồng bằng sông Cửu Long 

Được đăng : 03/11/2016
Tỉnh Ðồng Tháp đang phát triển mạnh nhân giống thủy sản nhân tạo, đáp ứng đủ nhu cầu cho các hộ nuôi trong tỉnh và cung cấp từ 80 đến 90% nhu cầu con giống cho toàn vùng nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ðến nay, toàn tỉnh có 169 cơ sở sản xuất giống thủy sản các loại, trong đó có 88 cơ sở sản xuất cá tra bột, 28 cơ sở ương tôm bột, 53 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và hơn bốn nghìn hộ chuyên ương cá giống với tổng diện tích hơn 1.100 ha. Hằng năm cung cấp cho thị trường hơn chín tỷ con giống các loại.

Tỉnh đã xây dựng được mạng lưới sản xuất và cung ứng giống, phát triển công nghệ giống, quản lý chất lượng giống; xây dựng các chính sách phát triển giống và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình giống thủy sản. Hiện nay, nguồn giống không còn lệ thuộc vào tự nhiên mà đã chủ động từ nguồn giống sinh sản nhân tạo cung cấp cho các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh và một lượng lớn xuất sang Cam-pu-chia. Tỉnh đã nghiên cứu và ứng dụng cho sinh sản thành công hơn tám loài thủy sản như: cá tra, cá ba sa, cá hú, cá kết, cá rô, cá thát lát, cá lóc bông và tôm càng xanh. Một số giống có nguồn gốc nội có giá trị kinh tế cao như: rô phi dòng Gift, rô phi đỏ, cá trê lai, cá chim trắng đã được sản xuất nuôi đại trà. Bên cạnh việc lai tạo giống, bảo dưỡng giống gốc, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất đã được các nhà chuyên môn chọn lọc thành công giống cá tra Pangi, cá rô đồng toàn cái, cá rô phi toàn đực, thể hiện tính ưu việt như tăng trưởng nhanh, sức sống cao, tỷ lệ phi-lê cao. Tỉnh phối hợp  Viện Nghiên cứu thủy sản II thực hiện các đề tài sản xuất giống các loài cá bản địa như: cá hô, cá mè hôi, cá ét. Hầu hết các huyện, thị, trong tỉnh đều có trạm thủy sản, động viên khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất giống.

Ðồng Tháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách các trung tâm sản xuất giống cá da trơn quốc gia cung cấp cho các tỉnh ÐBSCL, góp phần duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

* Tại những vùng đặc biệt khó khăn ở Ninh Thuận, các bộ, ngành và tỉnh cũng như các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, chuyển giao công nghệ, liên kết "2 nhà", "4 nhà" theo cách  phân công kỹ sư bám sát địa bàn "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với bà con; trực tiếp chỉ cho bà con thực hiện các khâu công việc ngay tại nhà, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con ngay trên đồng ruộng.

Theo cách này, các đơn vị đã xây dựng được các mô hình sản xuất, thực hiện chuyển giao kỹ thuật đạt hiệu quả. Cụ thể như "Mô hình phát triển nông nghiệp toàn diện vùng gò đồi hoang hóa cho đồng bào dân tộc Gia Rai, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn" do Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư, Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh và Viện Khoa học Thủy lợi triển khai và thực hiện. Mô hình sản xuất thâm canh lúa tại xã Tân Hải (huyện Ninh Hải) do Viện Khoa học kỹ thuật duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện. Mô hình luân canh trồng ngô lai V98-2 ở xã Nhị Hà (huyện Ninh Phước) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện. Mô hình sản xuất giống ngô lai ở xã Nhị Hà, do Ban quản lý dự án khoa học công nghệ nông nghiệp tỉnh và Viện Nghiên cứu cây bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố thực hiện. Mô hình sản xuất giống bắp lai ở xã Phước Sơn (huyện Ninh Phước) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty TNHH Nông Việt Phát thực hiện. Mô hình sản xuất lúa nước ở khu định canh Phước Thắng (huyện Bác Ái) do Ban quản lý dự án khoa học công nghệ nông nghiệp phối hợp với Ðoàn thanh niên tỉnh thực hiện, cùng các dự án trồng cây ăn quả, trồng rừng, phát triển chăn nuôi do nhiều doanh nghiệp đầu tư... đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế, tác động tích cực trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh...

Tuy nhiên, số cán bộ, kỹ sư nông nghiệp về với nông thôn, nông dân tỉnh Ninh Thuận, nhất là vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn hạn chế. Tỉnh cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế cùng với nông dân xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả.