Ông Vinh và các cộng sự đã thực hiện các phương pháp nhân giống vô tính là: giâm hom, nuôi cấy mô và ghép gốc trên dòng cây cùng loài. Kết quả là cả 3 phương pháp trên đều có thể cho thủy tùng sinh sản được. Phương pháp giâm hom đã cho ra rễ với tỷ lệ 17%, tuy nhiên do chưa tìm được thổ nhưỡng phù hợp nên khi chuyển từ bầu thí nghiệm ra trồng ở môi trường tự nhiên thì tỷ lệ chết rất cao (khoảng 99%).
Đối với phương pháp cấy mô, đến nay đã tìm được một số công thức khử trùng mô và xác định được phương pháp tạo chồi hiệu quả, hiện đang thực hiện giai đoạn tìm phương pháp tạo rễ trong phòng thí nghiệm. Khả quan nhất là phương pháp ghép chồi trên gốc cùng loài. Các nhà khoa học đã chọn gốc cây bụt mọc – là loại cây được cho là có họ hàng gần gũi nhất với thủy tùng được ươm từ hạt nhập khẩu ở Mỹ về để thực hiện ghép chồi thủy tùng, kết quả tỷ lệ sống đạt trên 70% và sau khi di thực ra môi trường tự nhiên vẫn phát triển tốt.
Cũng trong khuôn khổ để tài này, các nhà khoa học đã tìm hiểu hiện tượng hạt thủy tùng không nảy mầm được là do nón (hoa) đực của cây bị rụng trước khi nón cái đến kỳ thụ phấn. Được biết thủy tùng còn gọi là thông nước, tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm; là loài cây gỗ lớn, cao tới 25m, đường kính nhiều cây trên 1,3m. Thủy tùng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới thuộc nhóm IA, có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường. Hiện trên thế giới chỉ còn tồn tại 2 quần thể thủy tùng mọc tự nhiên với gần 150 cây còn sót lại.