00:00 Số lượt truy cập: 2984404

Nhện đỏ hại cây huệ và cách phòng trị 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi: Cây bông huệ ở chỗ chúng tôi cho thu lời khá cao so với cây lúa, gần đây nhiều người đã lên mô trồng huệ. Nhưng trồng huệ thường có một trở ngại rất lớn đó là cây huệ thường bị con nhện đỏ (con rầy lửa) gậy hại rất nặng. Bà con ở đây đã xịt nhiều loại thuốc mà không thấy bớt, đôi khi còn bị nhện gây hại nhiều hơn, làm cho cây huệ bị đỏ, đặc biệt là bông bị “gai”, không bán được. Xin cho biết nên phòng trị nhện đỏ bằng cách nào để có hiệu quả cao?


Lâm Quang Vinh (Bến Lức, Long An) và một vài bạn ở Long Thành (Đồng Nai).

Trả lời: Huệ là một cây trồng cho thu nhập khá cao so với cây lúa nên gần đây được nhiều bà con thích trồng. Tuy nhiên như các bạn đã biết, cây huệ thường hay bị nhện đỏ gây hại, đôi khi rất trầm trọng, làm thất thu rất lớn cho người trồng. Đây cũng là một trong những lý do làm cho người chưa có kinh nghiệm không dám trồng loại cây này.

Nhện đỏ hại cây huệ có một đặc điểm là nằm ở mặt dưới của lá huệ, mà lá huệ lại nằm ở dưới thấp nên rất khó cho việc đưa vòi xịt thuốc xuống bên dưới để xịt ướt mặt dưới của lá huệ (nơi nhện đang bu bám). Vì thế việc phun xịt thuốc hóa học để diệt trừ nhện thường cho hiệu quả không cao, đặc biệt nhện đỏ hại là một đối tượng dịch hại có khả năng kháng thuốc rất nhanh, nếu không thận trọng nhện sẽ gây hại nặng hơn.

Để diệt trừ nhện, những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng huệ thường ít dùng thuốc hóa học mà họ thường dùng biện pháp tạt té nước kết hợp với việc tưới nước cho cây. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu với các bạn kinh nghiệm của anh Nguyễn Hữu Tài, một nông dân đã có nhiều năm trồng huệ ở xã Long An (Châu Thành, Tiền Giang) để các bạn tham khảo và áp dụng thử.

Trao đổi với chúng tôi, anh Tài cho biết: cây huệ là cây đòi hỏi phải được tưới nước, qua nhiều năm trồng huệ anh thấy nếu tưới nước cho huệ bằng cách dùng tô, chậu nhỏ múc tạt nước từ dưới rãnh tạt ngược lên trên cây huệ thì ngoài việc cung cấp nước cho cây huệ, nước còn có tác dụng tạt ướt hết mặt dưới của lá huệ làm cho nhện đỏ bị rửa trôi. Chính vì thế anh không tưới huệ bằng máy bơm nước vì hạt nước rơi xuống mạnh dễ làm rập gẫy lá huệ, mà anh cũng không tưới bằng bình tưới có vòi hoa sen, vì cả phương pháp tưới bằng máy và tưới bằng vòi hoa sen chỉ làm ướt mặt trên của lá huệ mà không rửa trôi được nhện đang nằm ở mặt dưới của lá.

Để áp dụng cách tưới này, khi trồng huệ anh lên liếp (lên mô) trồng huệ rộng khoảng 1,2 mét, các liếp cách nhau bằng một cái rãnh rộng khoảng 0,4 mét để chứa nước cung cấp cho việc tạt, tưới huệ. Khi tưới chỉ việc lội dọc theo rãnh nước rồi dùng tô, chậu nhỏ tạt nước từ dưới rãnh lên cây huệ. Mặt khác anh không trồng huệ theo cụm tập trung ba, bốn củ vào một bụi mà anh trồng huệ theo từng cụm, mỗi cụm 3-4 củ dàn theo hàng ngang của liếp, để mỗi khi tạt té nước, nước ướt đều tất cả các lá của từng cây (do lá ít khi bị che khuất).

Anh cho biết thêm, trồng huệ phải tưới hàng ngày, mỗi ngày 2 lần, nếu ruộng huệ có rầy lửa (nhện đỏ) thì phải tưới ngày 3-4 lần. Với mục đích trừ nhện nên ngày nào đã có mưa vào buổi sáng, mặc dù đã cung cấp đủ nước cho cây huệ nhưng đến chiều cũng vẫn phải tưới thêm một cữ. Với cách làm này ruộng huệ của gia đình anh luôn luôn khỏe mạnh, ít bị nhện đỏ gây hại. Các bạn có thể áp dụng thử cách này cho ruộng huệ nhà mình. Chúc các bạn thành công./.