Ông Lennarz đã công bố thông tin này tại hội thảo phổ biến các quy định của FDA tổ chức tuần trước tại TPHCM. Công ty FDA Registrar là một doanh nghiệp của Mỹ chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp cách thức đăng ký với FDA để xuất hàng vào thị trường Mỹ.
Theo ông, việc bị lưu giữ hàng hóa khiến các doanh nghiệp tốn kém chi phí lưu kho bãi, gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa cũng như uy tín của doanh nghiệp. Do đó, mục tiêu của hội thảo là giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ các quy định của FDA.
Những lỗi cơ bản mà các doanh nghiệp xuất khẩu 3 nhóm hàng thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm - theo quy định phải đăng ký FDA - thường mắc phải là ghi nhãn mác sai, phân biệt việc ghi nhãn mác đối với nhà bán sỉ và nhà bán lẻ chưa đúng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường “quên” không ghi nhãn mác bằng tiếng Anh hay song ngữ dẫn đến việc hàng hóa bị lưu giữ nhiều ngày.
Đối với nhóm hàng thủy sản, nguyên nhân thường gặp nhất khiến hàng bị trả về là do sản phẩm bị phát hiện có dư lượng kháng sinh cao vượt mức cho phép như Chloramphenicol trong thủy sản và các vi khuẩn Salmonella, Ecoli gây nhiễm trùng đường ruột trong sản phẩm cá.
Ông Lennarz cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản cần áp dụng quy trình sản xuất theo hệ thống tiêu chuẩn loại trừ các mối nguy hại tới hạn (HACCP) để tránh các gặp những vấn đề trên.
Trong năm tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã xuất gần 40.000 tấn thủy sản sang thị trường Mỹ với kim ngạch 228 triệu đô la Mỹ. Năm ngoái, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 12,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau EU.
Theo công ty FDA, đã có hơn 5.500 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tại Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) tính đến ngày 14-1, nhiều hơn cả Ấn Độ (4.854 doanh nghiệp) và Thái Lan (3.056 doanh nghiệp). |