Những bất hợp lý trong xuất khẩu tôm
Được đăng : 03/11/2016
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch tôm sú chính vụ nhưng nhiều nhà máy chế biến vẫn than thở về tình trạng thiếu nguyên liệu. Nhiều người cho rằng, sự mất cân đối này có thể còn kéo dài.
Hiện giá tôm sú đang tăng chóng mặt, có thời điểm tăng 30 - 40% so với cuối năm ngoái. Nguyên nhân là do một số nơi người dân có xu hướng chuyển đổi từ nuôi tôm sang một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn, khiến nguồn cung tôm không còn dồi dào như trước. Do thiếu nguyên liệu chế biến nên một số nhà máy chỉ hoạt động được 30-50% công suất.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 7 ước đạt 430 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm lên 2, 45 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm đông lạnh và tôm chế biến đang đứng đầu khi đạt giá trị gần 717 triệu USD (chiếm 35,45% giá trị xuất khẩu của ngành), tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu.
Năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã giảm 6%, riêng mặt hàng tôm vẫn tăng trưởng 3%, đạt 1, 675 tỉ USD. ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, giá thành nuôi tôm lẫn sản lượng tôm sú trong nước là nhân tố quyết định kim ngạch xuất khẩu chứ không phải thị trường xuất khẩu. Điều đó chứng tỏ thị trường xuất khẩu tôm năm nay nhiều khả quan. Thực tế, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm số một của Việt Nam và luôn giữ mức ổn định suốt 6 tháng qua. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng 21,7% về lượng và 21% về giá trị.
Trong các tháng còn lại của năm 2010, dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng bởi hậu quả của vụ tràn dầu vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Mặc dù thị trường có nhu cầu tôm khá cao, song trên thực tế, khâu nuôi trồng đến nay vẫn chưa tăng tương xứng. Diện tích nuôi tôm đang có xu hướng giảm, riêng năm 2009 giảm tới 66.000ha, hiện còn 548.000ha. Trong quý I /2010, chỉ có 4 tỉnh tăng diện tích hoặc sản lượng: Tiền Giang tăng 20% sản lượng, Bạc Liệu tăng 12% diện tích và 26% sản lượng, Kiên Giang tăng 40% diện tích, Cà Mau tăng 20% sản lượng, còn các tỉnh ven biển khác đều giảm. Một doanh nghiệp chế biến tôm than rằng, trong 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng gấp đôi nhưng diện tích nuôi tôm lại tăng rất chậm, gây áp lực về nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng mất cân đối trên là do các nhà máy chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải thu mua tôm trong dân, giá cả lên xuống thất thường, ngoài ra còn phải cạnh tranh với các thương nhân Trung Quốc.
Hiện một số doanh nghiệp đang phải áp dụng giải pháp trước mắt là tăng cường nhập khẩu tôm nguyên liệu; tổ chức thu mua tại các tỉnh khác. Song về lâu dài, ngành nông nghiệp và các địa phương ĐBSCL cần chỉ đạo, khuyến cáo nông dân tăng cường mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi rải vụ; đồng thời chủ động phòng, chống dịch bệnh và cảnh giác với triều cường để mở rộng diện tích nuôi tôm một cách ổn định.