Bằng sự năng động, sáng tạo, một số nông dân trong tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất mang lại thu nhập cao. Từ những nhân tố này mở ra hướng phát triển cây, con đặc sản của tỉnh.
Hoa ly trên đất Bắc Giang
Xưa nay, nhiều người thường nghĩ, hoa ly chỉ được trồng ở Đà Lạt hay Sa Pa, nơi có khí hậu mang đặc tính ôn đới. Nhưng tại thành phố Bắc Giang, hoa ly hiện được một hộ dân ở xã Song Mai trồng có kết quả. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Cử, thôn Phú Giã. Vốn là cán bộ công tác trong đơn vị vận tải quân đội, ông có điều kiện đi nhiều nơi. Những chuyến đi đó, ông ấn tượng nhất với những vùng trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao và nung nấu ý định trồng hoa trên đất quê nhà. Vụ đông năm 2008, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân thành phố, ông mạnh dạn đưa hoa ly vào trồng. Đây là cây trồng mới, chưa nắm rõ được kỹ thuật nên ông đến Sở Khoa học và Công nghệ để tìm hiểu về cách chăm sóc hoa. Trồng hoa ly đòi hỏi chịu khó, ngày nào cũng phải theo dõi thời tiết. Khi sương vừa tan phải mở giàn che để hoa hứng ánh sáng mặt trời; khoảng 4-5 giờ chiều lại che lưới tránh sương. Nếu nhiệt độ xuống thấp phải thắp đèn điện bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của hoa. Do tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật, với 1.700 củ hoa ly trồng trên 100m2 đất… năm trước ông thu 80 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, năm nay, ông Cử đầu tư mở rộng diện tích trồng hoa ly lên 150 m2. Hoa ly không chỉ đẹp mà còn mang lại thu nhập cao cho người trồng. Mô hình này mở ra hướng phát triển vùng sản xuất hoa chất lượng cao trên địa bàn thành phố.
Ổi Thái không hạt - món quà quý từ thiên nhiên
Theo lời kể của chị Bùi Thị Nga, ở thôn Thượng Vũ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) cuối năm 2005, một người thân đi công tác ở miền Nam mang về cho chị một cây ổi giống của Thái Lan để trồng trong vườn nhà. Sau 8 tháng, kết quả thật bất ngờ, cây ổi cho thu gần 30 kg quả, trái to không có hạt, ăn giòn, vị ngọt, mùi thơm nhẹ. Thấy giống ổi cho trái ngon có thể mang lại thu nhập cao, chị chiết cành nhân rộng. Đến nay, trong vườn của gia đình chị Nga đã có 50 cây ổi. Hai năm gần đây, vườn ổi cho thu hơn 1,5 tấn quả, trị giá 15 triệu đồng. Chị Nga kể: Giống ổi này dễ trồng như giống ổi Bo, ổi Xá Lỵ nhưng cho quả quanh năm. Để có lứa ổi chín bán vào dịp Tết Nguyên đán phải dày công chăm sóc ổi như chăm trẻ nhỏ. Vào khoảng tháng 7, ổi được hái bớt quả để cây đơm hoa trái vụ, tưới nước và bón phân thường xuyên giúp mầm khoẻ mạnh. Khi trái ổi có đường kính 2-3 cm thì bao một lớp xốp và bọc ni lông ở ngoài vừa bảo vệ trái ổi không bị côn trùng gây hại và tránh ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết. Ổi Thái Lan không hạt như món quà tặng quý giá từ thiên nhiên.
Nuôi dế siêu lợi nhuận
Những năm gần đây, nhiều nhà hàng có các món ăn đặc sản chế biến từ dế như dế rang muối, dế chiên, lẩu dế… được thực khách rất ưa chuộng. Nắm bắt nhu cầu đó, ông Nguyễn Đăng Tiến, thôn Văn Giang, xã Huyền Sơn (Lục Nam) mạnh dạn đầu tư nuôi dế bán cho các nhà hàng. Ban đầu, ông mua 2 ổ dế ở Vĩnh Phúc về nhân giống. Để đàn dế phát triển tốt, ông tìm tòi đọc nhiều sách báo về kỹ thuật nuôi và áp dụng vào thực tiễn mô hình. Bởi vậy đàn dế của gia đình luôn sinh trưởng tốt, nhân đàn nhanh. Hiện tại, ông Tiến có gần 200 ổ dế, trong đó 10 ổ dế giống. Chín tháng qua, ông bán khoảng 80 ổ dế cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Được biết kỹ thuật nuôi dế khá đơn giản, chủ yếu bỏ công để chăm sóc. Dế được nuôi trong các thau nhựa, cho thêm rế bắc nồi cơm làm nơi leo trèo, trú ẩn. Sau hai tháng nuôi, dế bắt đầu sinh sản. Đây là giai đoạn quan trọng, cần lựa chọn những con dế to, khỏe để nhân giống. Mỗi con dế thường đẻ 600-700 trứng, sau 10-12 ngày trứng nở. Thức ăn cho dế dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, rau củ các loại hoặc cám gia súc. Vốn đầu tư nuôi dế không lớn, ít gây ô nhiễm môi trường, hệ thống chuồng nuôi không tốn nhiều diện tích đất, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi.
Ngọt ngào vú sữa cửa sông
Ở thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức (Tân Yên) nhà nào cũng trồng vú sữa, nhà ít có vài cây, nhà nhiều tới 200 cây. Vì lẽ đó Cửa Sông còn được gọi là "làng vú sữa". Ông Nguyễn Văn Cường là người đầu tiên trong thôn trồng vú sữa từ năm 1987. Hiện gia đình ông có hơn 200 cây, trong đó 50 cây đã thu hoạch. Ông Cường kể: "Giống vú sữa này cho quả sai quá nên cành cây thường bị gãy. Vì vậy, tôi thường làm giá đỡ cành để hạn chế tình trạng này". Vào vụ thu hoạch, tư thương từ Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh về mua. Năm 2008, trung bình ông Cường thu 1 triệu đồng/cây, thu nhập hơn 50 triệu đồng. Không riêng gia đình ông Cường, trong thôn nhiều hộ có mức thu từ vú sữa tới 40-45 triệu đồng/năm. Người dân nơi đây chỉ bán vú sữa chín cây nên sản phẩm luôn được khách hàng ưa chuộng. Nhiều người thấy vú sữa ngon nhân giống trồng ở nơi khác nhưng chất lượng không sánh được với vú sữa Cửa Sông. Đánh giá về lợi thế của vú sữa so với một số cây trồng khác, ông Cường nói: "Vú sữa chín vào tháng Năm, rải vụ nên không bị áp lực trong tiêu thụ, ít phải cạnh tranh bởi loại quả khác; hơn nữa kỹ thuật trồng, chăm sóc đơn giản, bởi vậy nhiều người đã cải tạo vườn tạp trồng vú sữa". Cây vú sữa mang lại niềm vui ngọt ngào cho bao người dân ở vùng đất Cửa Sông.
Gà thuốc quý, hiệu quả cao
Tháng 3-2009, được Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang hỗ trợ giống, ông Bùi Quốc Phú ở bản Rừng Dài, xã Tam Tiến (Yên Thế) nuôi 150 con gà thuốc của Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn giống vật nuôi - Viện Chăn nuôi. Đây là giống lai giữa gà H'Mông với gà Ai Cập nên da, thịt, xương có màu đen, ưu điểm dễ nuôi. Thịt gà thuốc có công dụng phòng chống mệt mỏi, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, thịt gà thuốc tẩm mật ong, nướng qua rồi đem sấy khô giòn làm thành viên hoàn (ô kê hoàn) hay ngâm với rượu uống có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất hiệu nghiệm. Có nơi còn dùng xương gà thuốc nấu cao, còn gọi là tinh gà đen chữa chứng hư nhược, chán ăn, mệt mỏi, đau lưng, mất ngủ, yếu sinh lý, băng đới... Sau 3 tháng nuôi, gà có trọng lượng 0,8-1,2kg, giá bán trên thị trường cao gấp đôi, gấp ba giống gà ta. Ông Phú cho biết, giống gà này có tỷ lệ sống cao, tiêu tốn ít thức ăn, kháng bệnh tốt. Là giống gà quý hiếm nên gà thương phẩm có giá bán cao, tiêu thụ dễ dàng. Thời gian tới, gia đình ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi giống gà này.