Với tinh thần ham học hỏi, không chịu khuất phục trước nghèo khó, anh Nguyễn Hồng Chương ở thôn Xuân Thượng, xã Lạc Lâm (Đơn Dương - Lâm Đồng) đã sáng chế thành công nhiều loại máy nông nghiệp, thay thế hàng chục nhân công lao động trong sản xuất rau, hoa, từ đó làm giàu cho bản thân và quê hương.
Người xây thương hiệu
Đến Lạc Lâm những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động khẩn trương của bà con trong vụ gieo hạt. Tuy vậy, điều khác biệt là ở đây đa số nông dân gieo hạt bằng máy chứ không dùng nhiều nhân công. Hỏi ra mới biết, chủ nhân chế tạo chiếc máy gieo hạt này là Nguyễn Hồng Chương, một cán bộ Đoàn năng động, hoạt bát và nhạy bén.
Chia sẻ với chúng tôi, Chương kể, xã Lạc Lâm có diện tích tự nhiên hơn 2.000ha, trong đó gần 80% người dân sống bằng nghề trồng rau thương phẩm. Để cung cấp một số lượng lớn cây giống cho nông dân, khoảng 20 vườn ươm được hình thành. Tuy vậy, theo quan sát của Chương, vào những lúc cao điểm, chủ vườn ươm phải thuê đến 30 - 40 nhân công mới đảm bảo gieo đủ lượng giống cung cấp. Họ phải làm thủ công, dùng tay bỏ từng hạt vào vỉ xốp. Cũng chính vì lẽ đó, Chương nảy ra ý tưởng sáng chế máy gieo hạt.
Năm 2004, Chương ngỏ ý với các chủ vườn để họ cấp vốn cho anh thực hiện ý tưởng trên, nhưng việc thương thảo không thành công. Không nản chí, Chương mượn sổ đỏ của anh trai thế chấp ngân hàng vay 40 triệu đồng. "Có tiền trong tay, ngay lập tức tôi mua sắm các thiết bị để sáng chế máy", Chương nhớ lại. Không biết bao lần tháo ra, lắp vào, cuối cùng, sau hơn 3 năm "thai nghén", chiếc máy gieo hạt đầu tiên của Chương cũng được xuất xưởng. Máy có trọng lượng 130kg, hoạt động bằng động cơ điện, hơi nén, hút chân không, có chức năng tự động thông kim, tự giập vỉ, tự làm sạch máy, chống kẹt vỉ xốp và được dùng để ươm các loại rau, hoa trong vỉ xốp. Chương cho biết, so với loại máy gieo hạt của Australia (giá 12.000USD, tương đương 240 triệu đồng) hiện đang có mặt trên thị trường với công suất chỉ đạt 120 - 130 vỉ/giờ, tiêu thụ điện năng từ 3-5kW/giờ thì máy của anh chỉ có giá 56 triệu đồng, công suất lại cao hơn, đạt 230 - 250 vỉ/giờ, tiêu thụ điện năng chỉ 0,5kW/giờ. Đặc biệt, máy có thể thay thế 8 - 12 nhân công/ngày, tiết kiệm 70-80 triệu đồng chi phí thuê nhân công mỗi năm. Chương bảo, mỗi tháng anh bán 2 chiếc, thu về 112 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 40 triệu đồng. Thêm nữa, xưởng của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 5- 10 lao động trên địa bàn.
Không dừng lại ở đó, năm 2008, Chương lại nghiên cứu và sáng chế thành công máy dồn đất vào vỉ xốp, có thể thay thế 6-8 lao động. Tiếp đến, vào năm 2010, Chương cùng 3 anh em trong gia đình sáng chế thành công chiếc máy đóng đất vào chậu để trồng hoa. Anh cho biết, chiếc máy này có tới 3 băng chuyền cùng hoạt động nhịp nhàng: băng chuyền thứ nhất đẩy đất từ thấp lên cao để đổ vào chậu; băng chuyền thứ hai xoay tròn đẩy dàn chậu vào đúng vị trí hứng đất; băng chuyền thứ ba đẩy chậu đã cấy giống xong ra ngoài; máy có công suất 1.200 chậu/giờ. Chương tiết lộ, một công ty sản xuất kinh doanh hoa 100% vốn nước ngoài ở Đà Lạt đã đặt hàng anh sản xuất chiếc máy này. Và thành công này tạo đà để anh tiếp tục ra mắt sản phẩm mới. Tháng 3/2011, bà con trồng rau, hoa trong xã lại ngạc nhiên trước chiếc máy đẩy vỉ xốp (dùng để lấy cây giống trong vỉ xốp đem ra trồng ngoài vườn) của Chương.
Chỉ vì "yêu"
Chia sẻ bí quyết thành công với chúng tôi, Chương cho biết, điều quan trọng nhất trong sản xuất, kinh doanh là phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường, sản phẩm tạo ra phải luôn đạt chất lượng, người chế tạo phải lấy uy tín làm trọng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Một lý do nữa mà theo Chương không thể thiếu: là nông dân thì phải yêu đất, yêu nghề.
Nhờ những sáng tạo không ngừng của mình, năm 2008, Chương được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của. Năm 2009, anh đoạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng và được tham dự Đại hội tài năng trẻ toàn quốc lần thứ I tại Hà Nội; được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam trao chứng nhận "Điển hình sáng tạo Việt Nam" với chiếc máy gieo hạt nông nghiệp tiết kiệm giống... Máy gieo hạt của Chương đã xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)...
Tâm sự với chúng tôi, Chương không giấu nỗi niềm, hiện thanh niên nông thôn rất thiếu vốn sản xuất, do vậy, tổ chức Đoàn phải nâng cao hơn nữa vai trò đồng hành với thanh niên trong việc lập thân, lập nghiệp. "Cần tổ chức nhiều hơn nữa các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho thanh niên và trợ giúp về vốn. Từ đó mới tạo tâm lý ổn định cho thanh niên lập nghiệp ngay trên quê hương mình", Chương nói.