Đạp xe cọc cạch dẫn khách về nhà, chị Phan Thị Tuyến nhanh nhẹn lên gác lửng mang xuống những hạt giống lai đựng trong một rổ nhỏ. Thành quả sau 7 năm của tập thể ấy được gọi bằng cái tên CT2. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, CT2 được đăng ký bảo hộ bản quyền với tên mới QNam1. Đây là lần đầu tiên người nông dân Quảng Nam bán bản quyền lúa lai cho một doanh nghiệp.
“Dạy răng làm rứa”
Câu lạc bộ BUCAP, hay lớp học về chương trình Bảo tồn, ứng dụng và phát triển đa dạng sinh học châu Á khởi động từ năm 2003 tại xã Điện Thọ (H.Điện Bàn, Quảng Nam) với khoảng 30 nông dân thuộc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Điện Thọ 1 là học viên. Ông Lê Hữu Ái - Chủ nhiệm HTX, nhớ lại: “Từ khi thành lập, nông dân được hỗ trợ kiến thức về thâm canh, đầu tư sản xuất, tiến hành nhiều nghiên cứu trên đồng ruộng, chọn dòng phân ly, so sánh, lai tạo và phục tráng giống. Lớp học duy trì trong thời gian dài đã nâng cao kiến thức xã viên”.
|
Nhưng không phải nông dân nào cũng kiên trì. Số học viên rơi rớt dần, còn chừng 10 người. Chị Tuyến (48 tuổi) và học viên Lê Quốc Cường (40 tuổi, cùng xã) là những người trụ lại và chịu trách nhiệm theo dõi quá trình lai tạo giống. Bắt đầu từ một số hạt giống, rồi nhân dần ra. Khi xác định hai giống lai tạo, họ gieo sạ ngoài đồng, đến thời kỳ đứng cái làm đòng thì mang về nhà bảo quản cẩn thận... Cứ thế, đến vụ năm 2009 HTX đưa ra sản xuất đại trà để đánh giá chất lượng giống.
Nông dân mà, được dạy răng thì làm rứa, tình cờ thôi! | |
Chị Phan Thị Tuyến |
“Những thành viên của CLB BUCAP Điện Thọ chúng tôi làm mà chẳng mấy ai biết chắc thành công. Sau thử gạo thấy ngon, theo dõi mấy mùa mới yên tâm. Nông dân mà, được dạy răng thì làm rứa, tình cờ thôi! Làm mà cứ nghĩ sẽ bỏ cuộc”, chị Tuyến rất thật lòng. Đôi lúc chị còn nói vui rằng mình chưa “tốt nghiệp” cấp 1 mà đã tham gia nghiên cứu. Giai đoạn lai tạo ban đầu rất gian nan, chăm lúa còn hơn... chăm con mọn. Ủ mầm trong khay (chậu), lúa lai sau đó phải bứng vô phòng, bởi chỉ một cơn gió mạnh thổi qua là hư hết. Đôi khi phải thắp điện 1.000w để lúa thụ phấn. Riêng chuyện trồng, gặt cũng công phu. Trồng theo từng hàng, sau gom lại chừng 1m2. Lại phải gặt bằng tay, tỉ mỉ như thế để khỏi lẫn lộn...
Từ CT2 đến QNam1
Trong số 10 người còn trụ lại đến giai đoạn cuối, chỉ có 4-5 người thường trực. Nhiều người tâm sự rằng, “nghiên cứu” xem ra mệt gấp nhiều lần so với vác cuốc ra ruộng. Đến nỗi cứ xong mùa nào là ai cũng muốn... xóa lớp học. Ruộng ở xa, riêng chuyện đối phó với chuột thôi đã đủ mệt.
Theo bản hợp đồng ký kết giữa Công ty CP giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam với Câu lạc bộ BUCAP Điện Thọ, ngày 31.12.2010 là thời hạn chót công ty chuyển toàn bộ 200 triệu đồng tiền bản quyền. Sau khi chuyển đổi chủ sở hữu, CT2 mang tên mới theo đăng ký bảo hộ bản quyền: QNam1 |
Bảy năm như thế trôi qua. Mười xô nhựa trồng lúa lai được khuân về nhà chị Tuyến để tiện theo dõi, dù lúc ấy có người phân vân không biết rồi nhóm sẽ “nghiên cứu” ra cái gì. Nhưng khi đạt kết quả rồi, giống mới chất lượng, được doanh nghiệp hỏi mua bản quyền, họ mới thấy sướng. “Rất mừng khi giống lúa do chính nông dân chúng tôi lai tạo đã thành công, giờ có thể phục vụ lại bà con quanh vùng” - lớp trưởng lớp BUCAP Điện Thọ, nông dân Nguyễn Văn Lựng phấn khởi.
Đến giờ chị Tuyến vẫn nhớ rành mạch những công đoạn đầu tiên. Sau khi xác định chọn KD18 làm giống mẹ, các xã viên vào cuộc “khử đực”. Khi KD18 làm đòng, họ cẩn thận cắt nửa đầu bông, sau đó bóc tách và cho nó mở ra như trổ đòng, tiếp tục lựa chọn các hạt còn lại ở bông đòng, lấy kéo nhỏ cắt 1/3 hạt lúa. Sáu nhị đực trên một hạt được khèo hết ra, chỉ để lại nhụy cái. Lại chờ đến buổi sáng, khi nhiệt độ bắt đầu tăng, họ “thụ phấn” cho lúa bằng cách chủ động tung phấn từ giống bố BD20 vào. Một tuần sau, nơi chỗ hạt mẹ cắt xéo có hạt gạo nhú lên thì biết rằng lai tạo đã thành công. Lại phải kiên nhẫn sàng lọc nhiều năm nữa. Từ bông lúa giống “nhân” thành các hàng, các hàng nhân thành nhiều bụi... Mãi đến khi các học viên có trong tay giống lúa mới mang các điểm nổi trội của cả hai giống bố mẹ, như năng suất cao, hạt màu tím hơi bầu, họ biết mình đã thành công.
Sau 6 vụ liên tiếp, đến vụ đông xuân 2007-2008 giống CT2 mới “chào đời”. Lúc đó, CT2 được trồng trên 4 sào lúa do UBND xã Điện Thọ hỗ trợ để nhân rộng cho các hộ dân quanh vùng. Đến vụ đông xuân 2009-2010, giống lúa CT2 đưa ra canh tác trên gần 2 ha. CT2 bắt đầu được ưa chuộng do năng suất cao (khoảng 7,5 tấn/ha), được ngành nông nghiệp xác nhận ưu điểm có chất lượng gạo ngon cơm, ít mắc sâu bệnh, chống chịu tốt, phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu miền Trung...
Đơn vị mua bản quyền cũng có tham vọng khi muốn nhân rộng CT2 (bây giờ là QNam1) không chỉ ở miền Trung mà cả các địa phương Tây Nguyên...
CT2 đã là cái tên cũ, tiền bản quyền cũng không cao, nhưng câu chuyện CT2 trở nên hấp dẫn bởi tính ngẫu nhiên và sự chăm chỉ của nông dân xứ Quảng.