00:00 Số lượt truy cập: 3048290

Những giải pháp để các tỉnh phía Bắc giành thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp năm 2008 

Được đăng : 03/11/2016
Ngày 11/4, tại huyện Ba Vì (Hà Tây), đại diện Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông của 18 tỉnh phía Bắc và đồng bằng Bắc bộ, cùng các nhà quản lý, nhà khoa học của các cơ quan, Viện nghiên cứu, Trường đại học thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tham gia Diễn đàn khuyến nông với chuyên đề "Chăm sóc lúa đông xuân và định hướng sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2008".

Diễn đàn nhằm giúp các địa phương tham khảo và lựa chọn các giải pháp hữu hiệu, chủ động khắc phục khó khăn về thời tiết, giành thắng lợi trong cả 3 vụ trong năm 2008. Qua Diễn đàn, các tỉnh đã phổ biến kinh nghiệm và bàn biện pháp để những vụ tới mở rộng diện tích gieo sạ đến các vùng canh tác thích hợp.
Các nhà khoa học và quản lý ngành nông nghiệp từ Trung ương đến cơ sở đã trình bày các giải pháp thông qua nhiều tham luận, như: chăm sóc và phòng trừ dịch hại đúng kỹ thuật; rút ngắn thời gian sinh trưởng và phát triển của lúa xuân để thu hoạch đúng thời vụ và cho năng suất, chất lượng cao; đồng thời đảm bảo tiến độ và thời vụ sản xuất các vụ mùa, vụ đông. Các tham luận đều tập trung đưa ra các giải pháp kỹ thuật về tăng cường chăm sóc lúa xuân, chủ động sản xuất vụ mùa và vụ đông năm 2008. Về kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trong những năm thời tiết bất thuận ở đồng bằng Bắc bộ; với vụ xuân, chủ động sử dụng giống liền vụ tại chỗ sẽ chủ động có đủ giống cho trà lúa mùa sớm; sử dụng các loại phân bón đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng. Đối với vụ mùa, chú trọng thực hiện các biện pháp gieo mạ phù hợp; kỹ thuật bón phân, chăm sóc và điều tiết nước; kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học.
Để thực hiện các giải pháp kỹ thuật đến hộ sản xuất, các tỉnh cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo huy động đủ lượng giống tại chỗ; tổ chức tập huấn cho lực lượng cán bộ quản lý và kỹ thuật nông nghiệp, cung ứng chế phẩm cho nông dân và hướng dẫn rộng rãi trên các phương tiện thông tin để nông dân học tập./.