00:00 Số lượt truy cập: 3041089

Những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Hòa Bình 

Được đăng : 03/11/2016
Những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh ta phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong 5 năm (2005-2009) đã có hơn 30.000 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Những mô hình nông dân vượt khó

 

Theo lời giới thiệu của Hội nông dân huyện Lạc Thuỷ, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Cao Kỳ ở thôn Rị, xã Phú Thành, người được tôn vinh trong Hội nghị biểu dương những hộ nông dân, chủ trang trại sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Hoà Bình lần thứ 2 vừa qua. Anh Kỳ cho biết, xuất thân từ một người nông dân luôn gắn bó với trồng trọt và chăn nuôi nên anh thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của những người nông dân một nắng hai sương, nếu không biết tính toán đầu tư thì khó lòng vượt qua được đói nghèo. Từ suy nghĩ đó, anh quyết tâm phải vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu. Năm 1994, anh đầu tư mua 1 cặp bò mẹ con, sau 15 năm đầu tư chuồng trại, thức ăn và phòng tránh dịch bệnh đến nay đã phát triển trên 300 con, ngoài ra, anh còn mở 1 xưởng sản xuất gạch bê tông, mỗi năm sản xuất được khoảng 60 vạn gạch. Có thu nhập từ việc bán trâu, bò và gạch bê tông, cộng với tiền vay từ Ngân hàng anh đầu tư mua 3 xe ô tô để vận chuyển gạch và vật tư, sản phẩm cho bà con thôn, xóm. Ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ nên thu nhập thấp phải bán trâu, bò để trả lương cho anh em và mua thêm vật tư sản xuất. Để giải quyết dịch bệnh cho đàn trâu, bò của gia đình, anh đã theo học các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của HND phối hợp với Trạm khuyến nông huyện Lạc Thuỷ tổ chức, học kỹ thuật sản xuất gạch bê tông, học quản lý kinh doanh và kinh nghiệm từ những người đi trước. Bên cạnh đó, anh còn nhận được sự ủng hộ tích cực từ lãnh đạo địa phương vì vậy nhiều năm được bình xét hộ gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện rồi cấp tỉnh. Thu nhập bình quân sau khi đã trừ chi phí khoảng 250 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 58 lao động. Năm 2009 anh đoạt giải “Sao thần nông” do Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nông dân bình chọn. 

 

Anh Ngô Văn Dũng ở xóm Bình Lý, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc gây dựng cơ nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Từ năm 1980, sau khi xuất ngũ trở về địa phương (xã Vầy Nưa), đời sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn do chưa có điều kiện tiếp cận với KHKT, đồng vốn để đầu tư vào sản xuất, thu nhập chủ yếu dựa vào khai thác rừng. Khi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, gia đình anh cùng làng xóm phải di chuyển vào định cư tại xóm Bình Lý, xã Tu Lý. Tại mảnh đất mới, gia đình anh thêm khó khăn vì phải làm lại nhà, phải trồng lại cây, phải cải tạo đất bằng hai bàn tay trắng không có vốn liếng. Thấy cảnh gia đình quá thiếu thốn, không đành lòng, anh quyết định chọn mô hình trồng trọt chăn nuôi để thoát cảnh đói nghèo, ý tưởng của anh và gia đình là tập trung cải tạo đất để trồng lúa, trồng màu, kết hợp với chăn nuôi lấy phân bón phục vụ sản xuất, đồng thời nghiên cứu thị trường để mở dịch vụ.

 

Nhờ chăm chỉ cần mẫn làm ăn đời sống gia đình anh dần được nâng cao và có tích luỹ. Từ đó gia đình anh tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh dịch vụ bán phân bón, vật liệu xây dựng, gạo, ngô, thức ăn chăn nuôi và sửa chữa xe máy. Hàng năm gia đình anh thu hoạch lúa 2 vụ đạt từ 5-6 tấn, ngô 3-4 tấn, sắn 10 tấn, rau màu 7 tấn, lợn thịt 7 tấn, gà vịt 1 tấn. Sau khi trừ chi phí bình quân thu nhập đạt 30 triệu đồng/người /năm. Ngoài ra, gia đình anh Dũng còn phối hợp với Công ty chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc Nam Dũng (Hưng Yên) và Hội Nông dân xã Tu Lý mở các lớp bồi dưỡng kỹ thuật chăn nuôi lợn cho bà con địa phương, đồng thời thường xuyên giúp đỡ bạn bè, làng xóm về cây, congiống, tiền vốn để cùng nhau sản xuất, kinh doanh...

 

Sức hút từ một phong trào

 

Còn rất nhiều điển hình nông dân làm giàu mà ở mỗi người niềm say mê, nghị lực vươn lên làm giàu cho mình và xã hội đã làm cho phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực. Các cấp Hội và nông dân trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu lao động để tìm ra những mô hình mới, hiệu quả để làm phong phú thêm cho cuốc sống, đồng thời làm thay đổi đời sống kinh tế gia đình và địa phương.

 

Ông Nguyễn Trường Phong, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh khẳng định: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng là phong trào thi đua trọng điểm của các cấp hội nông dân thu hút đông đảo nông dân tham gia. Năm 2005 mới có trên 26.300 hộ nông dân đăng ký tham gia chiếm 20% tổng số hộ nông nghiệp, đến năm 2009 đã tăng lên 53.500 hộ đăng ký tham gia chiếm 39% tổng số hộ nông nghiệp. Mức thu nhập của hộ hội viên nông dân từng bước được cải thiện bình quân từ 3,1 triệu đồng/người/năm 2005 tăng lên trên 8 triệu đồng/người/năm 2009, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 27% năm 2005 xuống còn 17% năm 2009. Trong tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá nguyên liệu tập trung như vùng cam Cao Phong; vùng đậu, lạc ở Lạc Sơn, yên Thuỷ; vùng cây dược liệu ở Tân Lạc, Lạc Sơn; vùng chè ở huyện Mai Châu, Đà Bắc...

 

Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả thu nhập cao. Đến nay, toàn tỉnh có trên 300 mô hình cánh đồng thu nhập cao; có trên 2.000 hộ nông dân có mức thu nhập từ 35-100 triệu đồng/năm. Phong trào đã khơi dậy tính năng động sáng tạo vươn lên xoá đói giảm nghèo, làm giàu, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và tham gia xây dựng nông thôn mới. Những hội viên nông dân, chủ trang trại sản xuất kinh doanh giỏi là những người lao động có trình độ, kinh nghiệm trong thực tế sản xuất kinh doanh, có uy tín với cộng đồng và địa phương. Sự phối hợp hài hoà giữa nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp đã tạo ra môi trường thuận lợi để nông nghiệp, nông thôn phát triển.

 

Những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Hoà Bình rất đa dạng và phong phú, hơn 30.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là hơn 30.000 bông hoa trong phong trào thi đua yêu nước, ở họ đều có một điểm chung là chí thú làm ăn, chú trọng đến việc áp dụng những tiến bộ của KHKT vào sản xuất, biết nắm bắt thị trường, chọn những mô hình làm ăn có giá trị vào sản xuất, sẵn lòng giúp nhau để vươn lên cùng làm giàu và làm giàu chính đáng.