Những mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả
Được đăng : 03/11/2016
An Giang, tỉnh xuất khẩu gạo lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên 3.390 hộ nông dân thuộc 216 tổ sản xuất và Cty Cổ phần Bảo vệ Thực Vật , sử dụng 12.659 ha diện tích chuyên sản xuất lúa giống.
Theo tính toán của ngành NN&PTNT địa phương, mạng lưới "xã hội hóa" sản xuất lúa giống này đáp ứng tới 90% nhu cầu của nông dân, mỗi năm làm lợi cho cộng đồng gần 100 tỷ đồng. Mạng lưới sản xuất lúa giống ở An Giang xuất phát từ phong trào xã hội hóa giống lúa do tỉnh phát động và triển khai từ năm 2002. Do lợi nhuận thực tế cao hơn sản xuất lúa bình thường (dân địa phương gọi là lúa thịt) từ trên 12 triệu đến gần 50 triệu đồng/ha, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng lúa giống. "Vua" sản xuất lúa giống Châu Thành Phú ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn- xã vùng sâu Tứ giác Long Xuyên khởi nghiệp bằng việc khai hoang vùng đất Tà Đảnh trồng lúa thịt. Khi có phong trào "xã hội hóa lúa giống", được kỹ thuật viên nông nghiệp hướng dẫn tận tình, ông Phú còn tìm đến các nhà khoa học của Trường đại học Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL… nhờ và được giúp đỡ rồi mới mạnh dạn chuyển sang sản xuất lúa giống. Hiện là Chủ nhiệm tổ sản xuất lúa giống Tà Đảnh với trên chục lọai giống, bình quân mỗi năm ông thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. Một nông dân khác là anh Nguyễn Nhật Hoai ở ấp Tây Bình (huyện Thọai Sơn) được phòng nông nghiệp huyện khuyến khích, chuyển sang sản xuất lúa giống (Nhật) trên diện tích 5 ha, mỗi năm trồng 2 vụ, năm 2009 lợi nhuận thu về trên 300 triệu đồng.
* 5 năm trở lại đây chuối tiêu trái vụ mang lại nguồn thu nhập chính, được coi là cây "làm giàu" của người dân xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Ông Nguyễn Chí Cao, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: Năm 2003, một số gia đình mạnh dạn trồng chuối tiêu trái vụ, thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán để bán được giá. 3 năm sau, phong trào trồng chuối tiêu trái vụ đã phát triển rộng khắp, được đông đảo người dân hưởng ứng. Toàn xã đã có 11ha trồng chuối tiêu trái vụ, năng suất cao hơn hẳn so với cách trồng truyền thống. Chưa năm nào cây chuối tiêu trái vụ bị mất giá, ngược lại ngày càng có thu nhập cao hơn. Người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo quản, cách bọc buồng chuối bằng nilon nên hình thức quả chuối rất đẹp và chống được nấm bệnh.
* Sau khi chuyển đổi các chân ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Ninh đã phát triển được gần 3000 ha diện tích thâm canh lúa - cá với mô hình VAC kết hợp, đạt giá trị bình quân cao gấp từ 1,5 đến 2 lần so với khi còn độc canh cây lúa. Hiện, mô hình thâm canh lúa - cá với diện tích hơn 240 ha, chiếm 4,7 % tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản đang phát triển mạnh ở các huyện, thành phố Bắc Ninh, Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Gia Bình... cho giá trị thu nhập từ 30 đến 42 triệu đồng/ha/ vụ, cao gấp từ 1,3 lần đến 1,5 lần so với trước đây. Mô hình VAC kết hợp được thực hiện phổ biến trên diện tích 2790 ha, chiếm tới 54 % diện tích nuôi trồng thuỷ sản của cả tỉnh, có năng suất từ 4 đến 5 tấn/ ha/ vụ, đạt giá trị bình quân từ 60 đến 80 triệu đồng/ ha/ năm. Với mô hình VAC này, hàng ngàn hộ dân ở các huyện, thị xã, thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, Quế Võ, Thuận Thành... thực hiện thâm canh tốt, áp dụng các giải pháp kĩ thuật về giống, sử dụng nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, hợp vệ sinh đã đưa tổng mức thu nhập lên khoảng 100 triệu đồng/ ha/ năm; đời sống người nông dân nhờ vậy đã được cải thiện rõ rệt. Do phát triển mạnh hai mô hình thâm canh lúa - cá và VAC, sản lượng cá của tỉnh cũng đạt hơn 13.000 tấn, đem lại giá trị hàng hoá gần 15 tỷ đồng mỗi năm./.