00:00 Số lượt truy cập: 2661828

Những mô hình sản xuất mới ở Phong Điền 

Được đăng : 03/11/2016
Khu nuôi thủy sản ở xã Trường Long và vùng trồng màu ở xã Nhơn Nghĩa là hai mô hình được huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) chọn làm điểm triển khai thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa “4 nhà”, hai mô hình này đã thu được kết quả khả quan.

Trước đây, nông dân xã Trường Long chỉ độc canh cây lúa. Mặc dù làm tới 3 vụ /năm nhưng số hộ khá -giàu không nhiều. Vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp được đặt ra và mô hình nuôi tôm, cá trên ruộng lúa xem ra rất phù hợp với vùng đất này. ông Lê Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Kế hoạch của huyện là xây dựng và phát triển 50ha nuôi trồng thủy sản tập trung ở hai ấp Trường Phú và Trường Phú B theo 2 hình thức: nuôi cá chung với lúa và nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng”.

Năm 2004, ông Dương Văn Tập ở ấp Trường Phú B được Ban chỉ đạo nuôi trồng thủy sản xã chọn làm điểm nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa (1,5ha). ông Tập được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ 40% chi phí sản xuất. Năm đầu tiên, ông thu được 750 kg tôm /ha, do rớt giá, chỉ lãi 15 triệu đồng. Năm 2005, ông không thu hoạch một lần mà tiến hành thu tỉa, năng suất tăng lên 850 kg /ha, lãi 40 triệu đồng. Năm 2006, ông tăng diện tích sản xuất lên 4ha, lãi khoảng 150 triệu đồng.

Từ thành công của ông Tập, nhiều hộ dân trong vùng mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm càng xanh luân canh với lúa. Năm 2006, toàn xã có 12 hộ thực hiện mô hình, quy mô 13, 5ha. ông Tuấn cho biết, năm 2006, bà con thả nuôi 1 triệu con tôm bột, chi phí đầu tư 30 triệu đồng /ha. Trung bình mỗi hộ thu 800kg/ha, với giá bán bình quân 80.000 đồng /kg, trừ chi phí, lãi 34 triệu đồng /ha, cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Năm 2007, dự kiến, diện tích nuôi tôm càng xanh luân canh với lúa của xã sẽ tăng lên 25ha.

Để đạt được hiệu quả kinh tế cao, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông TP. Cần Thơ đã khuyến khích nông dân sử dụng tôm bột thay cho tôm giống, vì tỷ lệ hao hụt thấp, kích thước tôm đồng đều. Thường xuyên thay nước bằng máy bơm với mức nước theo nhu cầu của tôm, sử dụng thức ăn viên là chính, bổ sung thức ăn tươi; định kỳ theo dõi sự tăng trưởng của tôm và xử lý môi trường.

Khác với Trường Long, xã Nhơn Nghĩa được chọn để phát triển vùng rau màu tập trung (500ha). Để giúp nông dân ổn định đầu ra, Phòng Kinh tế huyện phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tư vấn cho Câu lạc bộ sản xuất rau màu ấp Nhơn Thành ký hợp đồng sản xuất rau sạch, cung cấp cho Công ty TNHH Dịch vụ Rau an toàn Phương Hùng. Các hộ được hỗ trợ vốn sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật...

Tháng 9/2006, nông dân bắt đầu xuống giống cà tím, sau 2 tháng thì thu hoạch. Chị Lưu Thị Mỹ Lệ trồng 2.000m2 cà tím, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 5 triệu đồng. Chị Lệ tâm sự: “Hết vụ cà tím, tôi chuyển qua trồng đậu bắp, khổ qua”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Điểu, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phong Điền cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị và đề xuất một số giải pháp với UBND huyện như xóa bỏ một vụ lúa trong năm, tập trung chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuyên canh vùng màu, cây ăn trái và luân canh 2 lúa - 1 màu hoặc 1 vụ lúa - 1 vụ thủy sản.