00:00 Số lượt truy cập: 3062657

Những 'nhà khoa học chân đất' tham dự Chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam 2007 

Được đăng : 03/11/2016

Tại Chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam (Techmart Vietnam) 2007 diễn ra tại thành phố Ðà Nẵng có 16 "nhà khoa học chân đất". Họ chưa tốt nghiệp THPT nhưng đã có cải tiến, sáng tạo ra các công nghệ, thiết bị giải quyết được một số vấn đề thực tế nảy sinh và ứng dụng thiết thực vào đời sống lao động sản xuất.


Anh Phan Văn Lệ ở khóm Hải Nam, thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh (Quảng Trị) đưa tới Techmart chiếc Máy tuốt hạt tiêu được đông đảo người dân khen ngợi. Vĩnh Linh là nơi trồng rất nhiều cây hạt tiêu và hạt tiêu đã trở thành đặc sản. Việc thu hoạch của bà con rất vất vả, nhất là khâu tách hạt tiêu. Vốn là công nhân ở đội cơ khí thuộc Nông trường Bến Hải, anh Lệ quyết sáng chế ra máy tuốt hạt tiêu để bà con đỡ vất vả.

Anh đã tìm tòi, nghiên cứu thành công chiếc máy đầu tiên vào năm 2006 có ba phần là: phần giá đỡ với khung máy, bánh xe, tay đẩy; phần động cơ có mô-tơ điện, bánh đà, dây cua-roa và bộ phận tuốt có trục xoắn, máng chứa hạt tiêu, máng sàng lọc hạt tiêu.

Máy có chiều dài 1m, rộng 0,5m, cao 0,7m và có trọng lượng 50kg. Nguyên lý hoạt động của máy là nguyên liệu sau khi thu hoạch về được đổ vào máng tiếp liệu và từ từ được chuyển vào miệng máng. Hạt tiêu được đưa xuống trục cuốn, trong quá trình hoạt động, trục quay sẽ tạo lực ép hạt tiêu lên sàng và hạt tiêu được tách rời ra khỏi cuống tiêu và di chuyển dần ra sau của trục cuốn. Ðến khi cuống tiêu ra tới phía sau trục cuốn thì hạt tiêu đã rụng hết và cuống tiêu được đẩy ra ngoài. Hạt tiêu lọt qua sàng và rơi xuống máng.

Anh Lệ cho biết trong quá trình chế tạo máy, bộ phận quan trọng và khó làm nhất là trục xoắn. Bởi vì nếu tính toán không hợp lý, độ chính xác không cao thì khi quay, trục xoắn sẽ nghiền nát hạt tiêu. Máy tuốt hạt tiêu do anh Lệ sáng chế đạt công suất một tấn hạt tươi/giờ, tương đương với 20 lao động thủ công, ưu điểm là có thể di chuyển dễ dàng nhờ hệ thống bánh xe, tay đẩy và trọng lượng nhẹ. Ngoài công suất cao, máy còn có khả năng tự động phân chia hạt tiêu to với hạt nhỏ qua hai máng riêng biệt.

"Nhà khoa học chân đất" khác cũng ở Quảng Trị là anh Văn Ðức Quynh, ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng với sản phẩm Máy tách hạt ngô. Anh Quynh bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy này từ năm 2005. Trên cơ sở nghiên cứu máy tách ngô của Nhật Bản, anh đã cải tiến và chế tạo lại nhiều bộ phận cho phù hợp điều kiện và trình độ của người dân.

Năm 2006 chiếc máy tách hạt ngô của anh đã được hoàn thiện. Máy gồm các bộ phận chính: Máng trên để đựng bắp ngô chưa tách và máng dưới để đựng hạt ngô; trục giữa (có răng cưa để tách hạt ngô), lõi ngô sẽ ra theo trục; một bộ phận phụ để điều chỉnh bắp ngô áp sát vào trục. Nguyên lý hoạt động của máy là khi máy hoạt động, trục chính quay, bắp ngô quay theo, ở thanh trượt dẫn hướng có bộ phận điều chỉnh để tách hạt. Hạt theo máng dẫn ra ngoài, lõi ngô theo thanh trượt ra ngoài. Máy có tổng trọng lượng khoảng 50kg, rất thuận tiện khi di chuyển.

Ưu điểm của máy là công suất lớn, tách được 300kg ngô/giờ, tương đương với 10 lao động tách thủ công; hạt ngô không bị vỡ, xước; chi phí điện năng thấp (1,2-1,5kW/h), chỉ cần dùng điện một pha, hoặc dùng máy nổ loại nhỏ. Ðược biết anh Quynh cũng đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy tuốt lạc và được người nông dân rất quan tâm.

Ngoài anh Lệ, anh Quynh, tại Techmart lần này còn góp mặt nhiều "Nhà khoa học chân đất" với các sản phẩm độc đáo khác như ông Ðàm Văn Vĩnh ở 437/2 đường Trần Cao Vân (Ðà Nẵng) với sản phẩm Ðu quay tự chơi; hai học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Ðà Nẵng) là Thái Quốc Huy và Phạm Quang Huy với sản phẩm Máy lau nhà và sản phẩm Quạt sử dụng gió để bơm nước,...

Sự tham gia của các "nhà khoa học chân đất" đã góp phần tạo cho Techmart thêm phần phong phú.