00:00 Số lượt truy cập: 2998789

Những nông dân đa tài ở Quảng Nam 

Được đăng : 03/11/2016

Họ là những nông dân chăm chỉ, biết khắc phục khó khăn để đưa kinh tế gia đình phát triển và trở thành những ông chủ, bà chủ. Và khi cần, họ có thể trở thành “nghệ sĩ bất đắc dĩ” duyên dáng trên sân khấu...


Không ngại mưa nắng hay bất cứ điều gì, họ làm tất tần tật mọi việc miễn sao những dự định, tính toán sản xuất của mình đem lại hiệu quả kinh tế cao” - ông Nguyễn Đăng Tiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Xuân 1 (Núi Thành - Quảng Nam) chân thật khi nói về những nông dân quê mình. Xã Tam Xuân 1 có đến 85% hộ sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 186 mô hình chăn nuôi thì có đến 64 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và 170 hộ cấp huyện. Ông Tiền nói: “Cần cù chịu khó, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, những năm gần đây, nông dân Tam Xuân 1 tăng nhanh tỷ lệ hộ giàu; nhà nào cũng có xe máy, tivi và nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình”.

Làm giàu...

Để minh chứng lời mình, ông Tiền đưa chúng tôi đến thăm mô hình nuôi vịt ấp trứng của anh Lữ Văn Thạnh ở thôn 1. Năm 2007, vợ chồng anh Thạnh phải vay mượn tiền để mua con giống. Mô hình cho hiệu quả kinh tế ổn định, anh trả hết nợ và mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, anh là chủ trang trại rộng hơn 1.000m2 với 2.000 vịt đẻ. Trung bình mỗi ngày anh xuất khoảng 1.000 trứng vịt lộn; mỗi năm trang trại cho lãi ròng xấp xỉ 100 triệu đồng. “Ăn nhờ, ở đậu từ chuồng trại người này đến lán trại người khác để học hỏi kinh nghiệm tôi mới có được kết quả như hôm nay. Chỉ có thâm nhập thực tế mới học hỏi nhanh được, sách vở chỉ là để tham khảo và bổ sung thêm thôi” - anh Thạnh chia sẻ.

“Nghệ sĩ chân đất”

Tương tự, anh Nguyễn Văn Quý (thôn 4) - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh đang là chủ trang trại nuôi vịt và nuôi trăn. Hằng năm gia đình anh xuất đi hàng nghìn vịt giống và vịt thịt, thu lãi cả trăm triệu đồng. Hay như ở Thăng Bình, có nông dân Lê Văn Minh (thôn Quế Hương, Bình Quý) là chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng và mô hình này hầu như ngày nào cũng có người đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Không có cách vận động tuyên truyền nào hiệu quả bằng chính nông dân tuyên truyền cho nông dân. Vì chỉ có họ với cách nói giản dị chân chất mới dễ dàng chuyển tải nội dung cần phổ biến đến với mỗi nông dân. “Gần gũi và không kém phần hài hước, những “nghệ sĩ nông dân” đã tạo sự lôi cuốn ngay từ đầu khi bước ra sân khấu trong cuộc thi “Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong việc phòng, chống cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1” do Trung ương Hội Nông dân phối hợp các huyện Núi Thành và Thăng Bình vừa tổ chức” - ông Nguyễn Văn Bạn, Trưởng ban xã hội (Hội Nông dân tỉnh) cho biết.

Quảng Nam là một trong những địa phương có nguy cơ cao bùng phát dịch cúm; tuyên truyền để người dân nắm bắt phương thức và nâng cao ý thức phòng chống là điều cần thiết. Và cách làm như của nông dân Quảng Nam cũng cần thiết được nhân rộng. Lời tuyên truyền đó có thể là câu hát mộc mạc về ca từ, dễ hiểu và người nông dân cũng dễ thuộc như “Nhà tôi nuôi vịt, nuôi gà / Vệ sinh chuồng trại đó là đầu tiên...” của đội Hội Nông dân xã Tam Xuân 1. Đó có thể là vở hài kịch khiến khán giả một phen “cười no bụng” của đội Tam Xuân 2 khi nói về cách làm chuồng trại như thế nào cho đúng. Nông dân Nguyễn Văn Sơn (xã Tam Xuân 1) nói: “Qua những chương trình văn nghệ này, tôi và những nông dân khác biết nhiều hơn, hiểu cặn kẽ và thấy cần thiết hơn đối với việc giữ gìn vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi hiểu được rằng, an toàn trong chăn nuôi chính là ổn định kinh tế của gia đình”. Tại cuộc thi, để truyền tải thông điệp về cúm và nâng cao ý thức phòng chống cho nông dân, những “nghệ sĩ nông dân” đã “phổ” các cách thức vệ sinh tiêu độc ổ dịch, các bước tiêu hủy gia cầm hay biện pháp chống dịch... thành lời thơ, lời nhạc hoặc chuyển thể thành hài kịch. Ông Nguyễn Văn Hiến - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân) nói: “Tôi thật bất ngờ, nông dân quê mình quả là đa tài. Không những diễn hay, họ còn thiết kế chương trình theo cách phù hợp để chuyển tải thông điệp mà Trung ương Hội muốn đưa đến người nông dân”.