00:00 Số lượt truy cập: 3193529

Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm gần đây, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” được nông dân huyện Vĩnh Lộc tích cực hưởng ứng. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, do nông dân làm chủ có thu nhập cao.


Với trình độ chuyên môn là “Kỹ sư xây dựng cầu đường” nhưng anh Trần Quốc Khánh, ở xã Vĩnh Thành lại làm giàu từ nghề nuôi nhím. Qua sách báo, tivi, những cái tên như “Việt nhím” ở Bắc Giang, “Hùng nhím” ở Sơn La... trở thành “tỷ phú” từ nghề nuôi nhím, đã thôi thúc anh tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Ban đầu anh vay mượn anh em bạn bè mua được 5 cặp nhím giống về nuôi, song từ lý thuyết đến thực tiễn không dễ như anh nghĩ, đàn nhím nhiều con lăn ra chết không rõ nguyên nhân. Thế là anh lại phải mày mò học hỏi qua sách báo, qua mạng thông tin điện tử về nguyên nhân gây bệnh, cách chăm sóc, cách phối giống sinh sản, rồi dần rút kinh nghiệm... Đến nay, đàn nhím của gia đình anh Khánh đã tăng lên 30 cặp sinh sản, bình quân mỗi năm một đôi nhím sinh sản đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 con, cho thu nhập khá cao. Theo anh Khánh, nuôi nhím không khó, quan trọng là phải nắm được kỹ thuật từ khi chọn con giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đến khi phân bổ lượng thức ăn đủ dinh dưỡng hàng ngày phù hợp từng độ tuổi của nhím và phải biết được đặc điểm của loài nhím để biết cách chăm sóc, phòng bệnh.
 
Cũng như anh Khánh, từ sự năng động, sáng tạo và quyết tâm vượt nghèo, làm giàu, với nhiều cách làm khác nhau, nhiều người dân Vĩnh Lộc đã góp phần làm cho quê hương ngày thêm khởi sắc. Gia đình chị Vũ Thị Nở, ở xã Vĩnh Long là một ví dụ. Trước đây gia đình chị Nở thuộc diện hộ nghèo của xã. “Khởi nghiệp” của gia đình chị từ một mảnh ao sâu địa phương cấp cho, rồi xin tre của bà con lối xóm làm được 2 gian nhà tranh, vách đất. Chồng chị thì lọc cọc đạp xe đi bán thuốc lào rong, hoặc kéo xẻ gỗ thuê, chị một nắng hai sương với mấy sào ruộng, con lợn, con gà, rồi bán hàng vặt. Song, cuộc sống vẫn đói nghèo. Từ kinh nghiệm có được khi anh làm nghề mộc trong quân đội, rồi được chủ nhà chỉ bảo về nghề khi đi kéo xẻ gỗ thuê, vợ chồng chị Nở quyết định đầu tư mở xưởng mộc nhỏ với số vốn tự có và vay mượn được 55 triệu đồng. Anh chị nhận các hợp đồng đóng bàn ghế cho nhà trường, cho UBND xã và các công trình phúc lợi khác, từ đó kinh tế dần khá hơn. Có thêm vốn, vợ chồng chị Nở đầu tư thêm máy móc, thuê lao động phát triển nghề mộc, đồng thời mở rộng trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc, mỗi năm trừ chi phí gia đình chị Nở có lãi gần 250 triệu đồng. Không những làm giàu cho bản thân, vợ chồng chị Nở còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên, với thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra còn thường xuyên tương trợ cho những gia đình khó khăn; phối hợp với một số hộ chăn nuôi khác lập hội chăn nuôi lợn hướng nạc để cùng chia sẻ kinh nghiệm, vươn lên làm giàu.
 
Điều dễ nhận thấy đó là người nông dân Vĩnh Lộc luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất, con giống, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi... cùng nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Mỗi người có một cách làm khác nhau nhưng tất cả họ đều có một điểm chung đó là làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Ở vùng trọng điểm sản xuất lúa, nhiều hộ đã biết kết hợp thâm canh cây lúa, đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng mô hình lúa – cá, nhiều mô hình trồng dưa hấu, mướp đắng, cam đường Mễ Sở, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, còn có nhiều hộ vừa sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, vừa kết hợp làm dịch vụ, không những làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiêu biểu như gia đình ông Tiết Văn Cảnh, ở xã Vĩnh Tiến, với ngành nghề sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, thu nhập gần 400 triệu đồng/năm, giúp cho 6 hộ khác thoát nghèo và giải quyết việc làm ổn định cho 11 lao động, với thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng. Hộ ông Nguyễn Văn Trọng, vừa trồng trọt, chăn nuôi kết hợp mở xưởng cơ khí, sau khi trừ chi phí thu nhập 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 8 lao động, giúp đỡ 6 hộ thoát nghèo...
 
Để có thành quả như ngày hôm nay là điều không dễ dàng. Ngoài sự kiên trì, nhẫn nại, người nông dân huyện Vĩnh Lộc đã thể hiện sự sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo nên phong trào thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng rộng khắp trên toàn huyện, ngày càng có nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.