Chúng ta đều thống nhất đánh giá rằng, sản xuất nông nghiệp chịu tác động và ảnh hưởng rất lớn của thời tiết khí hậu. Ở vụ xuân từ hàng trăm năm nay, nếu cứ là vụ xuân rét thì là một vụ được mùa, vụ xuân ấm thường mất mùa hoặc năng suất không cao. Thực tế những năm mất mùa, năng suất thấp ở vụ xuân với cơ cấu giống dài ngày xuân sớm chiếm tới 85% là những năm ấm 1987, 1991, 2001 và gần đây vụ xuân ấm 2007. Vụ xuân năm nay, theo kinh nghiệm dân gian là năm âm lịch có 2 xuân (Lập xuân vào 10 tháng giêng và lại có Lập xuân vào 21 tháng chạp - đầu năm lập xuân, cuối năm lại lập xuân); những năm có 2 xuân thì đều là năm ấm. Điều này cũng phù hợp với dự báo dài hạn của các Trung tâm dự báo khí tượng toàn cầu. Các cơ quan dự báo khí tượng quốc tế và trong nước dự báo rằng, khu vực ven Thái Bình dương bắt đầu một chu kỳ hoạt động mạnh của hiện tượng En Nino, nhiệt độ mùa đông năm nay ở khu vực nước ta sẽ cao hơn trung bình nhiều năm 1,5-2 độC, là một vụ đông xuân ấm rõ rệt. Thực tế đến nay đã vào tiết “đại tuyết” nhưng nền nhiệt trung bình ngày còn khá cao. Cùng với hiện tượng nền nhiệt cao là tình trạng khô hạn và thiếu nước trầm trọng, các hồ thủy điện và thủy lợi đều tích nước không đủ, ngành điện cũng đang rối bời vì thiếu điện do không có đủ nước chạy phát điện, điều này sẽ thực sự trở thành một thách thức lớn, một nan giải với sản xuất nông nghiệp. Tình trạng biến đổi khí hậu và nóng ấm lên toàn cầu cũng sẽ kéo theo những biến đổi và phát sinh mạnh mẽ về sâu bệnh hại, và nó sẽ càng làm phức tạp, khó khăn hơn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là những nơi gieo trồng giống lúa dài ngày chiếm đất lâu, trùm từ vụ đông năm trước đến vụ hè năm sau. Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo các địa phương khó khăn về nước sẽ phải chuyển một số diện tích sang gieo trồng cây trồng cạn. Hệ lụy của nóng ấm, biến đổi khí hậu kéo theo diễn biến phức tạp của sâu bệnh hại? Đúng vậy, về vấn đề này là hết sức lo ngại. Ở Miền bắc có một lợi thế vụ đông, nếu lạnh các loại sâu bệnh thường sẽ đỡ hơn vì chúng phải kéo dài giai đoạn ngủ đông và bị chết do thiếu thức ăn, nhưng nhiệt độ nóng, ấm điều đó sẽ không có gì cản trở sâu bệnh hại. Mối lo ngại lớn hơn đó là một loại bệnh mới đã đề cập ở nhiều phương tiện thông tin - Bệnh lùn sọc đen do virus, bệnh này lan truyền từ Trung Quốc và đã được đề cập từ vài năm nay, nhưng vụ mùa 2009 vừa qua nó đã gây thiệt hại ở nhiều tỉnh thành phía Bắc. Ở Thái Bình có tới gần 3.600ha lúa mùa bị thiệt hại trầm trọng tập trung ở Tiền Hải, một số xã của Thái Thụy, Kiến Xương. Cái nguy hiểm của bệnh này là nó còn quá mới với không chỉ nông dân, cán bộ cơ sở mà nó mới cả với cán bộ kỹ thuật. Bệnh lùn sọc đen được rầy lưng trắng và rầy xám chích hút và truyền từ cây lúa bị bệnh sang cây khỏe, nó truyền chéo cả sang ngô và cỏ lồng vực. Khi mà chúng ta nhìn thấy triệu chứng “lâm sàng” trên cây trồng thì đã gần như “vô phương cứu chữa”, chỉ còn cách tiêu hủy. Cứ hình dung nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng bệnh từ xa để nguồn bệnh tồn tại và lan truyền sang diện tích lúa đại trà của vụ xuân 2010 với vài trăm ngàn ha phải cày hủy bỏ, thì hàng chục vạn hộ sẽ ăn bằng gì cho đến vụ tháng 10? Bệnh lùn sọc đen có 2 điều kiện cần và đủ để phát sinh gây hại là: Có nguồn bệnh tồn tại sẵn - Điều kiện này thì Thái Bình đã đáp ứng, lùn sọc đen đã có và đang có trên lúa mùa, trên ngô đông ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Thứ hai: Có môi giới truyền bệnh - Rầy lưng trắng, rầy xám... Rầy muốn tồn tại phải có cây chủ: lúa, ngô, cỏ lồng vực... nguồn bệnh nhờ vậy đã được rầy lưng trắng, rầy xám hút truyền từ lúa mùa sang ngô đông, hiện ngô đông ở nhiều địa phương đang bị, và khi ngô đông già thì rầy sẽ chuyển sang mạ xuân sớm mà bà con đã gieo, nắng ấm chỉ sau 7-10 ngày mạ có trên 2 lá, quá tốt để cho rầy cư trú đủ thức ăn để tiếp tục nhân đàn và chích hút, tích lũy virus lùn sọc đen, và rồi đàn đàn con cháu, chắt chút của nó sẽ chích hút và mang nguồn bệnh gieo rắc trên diện tích lúa xuân đại trà. Cái nguy là diện tích mạ xuân sớm gieo dược sẽ khó quản lý được rầy, mà quản lý được cũng sẽ tốn kém, vì không che phủ được, rồi nghiễm nhiên từ những vùng này, các ổ bệnh lùn sọc đen sẽ gây họa cho cả sản xuất lúa ngô của một vùng. Tôi xin nói lại là khi đã phát hiện bệnh thì không còn cách cứu chữa ngoài biện pháp tiêu hủy, để lại thì là nguồn lây cho hàng xóm, và bản thân ruộng lúa bị bệnh cũng không cho thu hoạch và có được vài chục kg thì gạo ăn cũng đắng ngắt - đó chính là tự hất đổ bát cơm nhà mình và còn hất đổ cả của hàng xóm khi có thông tin, có hướng dẫn rồi mà vẫn cứ không nghe. Giải pháp nào ứng phó? Trước hết với vấn đề vụ xuân ấm và thiếu nước, thì giải pháp gieo cấy giống lúa ngắn ngày trà xuân muộn là giải pháp khoa học và hiệu quả nhất. Giống ngắn ngày phải được gieo vào Lập xuân, cấy kết thúc trong tháng 2 dương lịch, và những vụ xuân ấm thì trà xuân muộn gieo cấy như lịch này năng suất không hề suy giảm, nó luôn trổ bông vào trung tuần tháng 5, xung quang Lập hạ, và dạng hình rét hay ấm ít khi ảnh hưởng lớn đến trà này. Vụ xuân 2007 ấm đặc biệt nhưng nhiều hộ cấy giống lúa lai, lúa ngắn ngày vẫn thu hoạch 250-280kg/sào, khi mà giống dài ngày Xi23, VN 10 chỉ được 130 -170 kg/sào. Thứ hai nó cần nước ít hơn giống dài ngày, và vụ xuân hạn điều tiết nước cho gieo cấy trà này cũng đỡ hơn, có thời gian, điều kiện để thau nước ở các chân chua mặn tốt hơn. Thứ ba, gieo mạ đơn giản và quản lý tốt, không lo bị rầy các loại chích hút vì áp dụng che phủ nilon hoặc xử lý hạt giống, phun thuốc nội hấp trước cấy, quan trọng hơn nó tạo ra một khoảng thời gian cắt vụ, cắt đứt cầu nối, không có ký chủ cho rầy các loại thì mối hiểm họa về lùn sọc đen cũng sẽ đỡ lo hơn. Thứ tư, trà lúa này có điều kiện để mở rộng phương thức gieo sạ hàng cải tiến, gieo vãi sẽ tiết kiệm chi phí, tranh thủ thời vụ tốt hơn. Vấn đề cuối cùng, trà lúa này có bộ giống lúa phong phú, nhiều giống lúa lai lúa chất lượng năng suất rất cao, chất lượng ngon, chống chịu sâu bệnh tốt. Tuy nhiên lời khuyến cáo với bà con nông dân nên lựa chọn giống lúa thích hợp với chân ruộng của mình, phải áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến để có ruộng lúa khỏe mạnh, cứng cây, chống chịu tốt, nếu là chân vàn thấp, trũng nên bố trí lúa lai, giống chịu tốt với đạo ôn, không đưa các giống nhạy cảm với đạo ôn vào chân ruộng này, đặc biệt việc sử dụng phân bón phải cân đối, hợp lý, không bón phân đơn. |