Đàn lợn rừng của gia đình ông Lương Kim Ánh, xã Bãi Trành (Như Xuân).
Từ thị trấn Yên Cát, ngược đường Hồ Chí Minh hơn 20 km về phía giáp tỉnh Nghệ An, chúng tôi tìm về xã Bãi Trành theo lời giới thiệu của cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện. Nằm ngay ven đường Hồ Chí Minh, trang trại lợn rừng của ông Lương Kim Ánh, thôn 10, xã Bãi Trành rộng 12 ha, trong đó có 6,5 ha cao su, còn lại là mía, sắn, dưa hấu, ao cá... Riêng khu chuồng nuôi lợn rừng đã có tổng diện tích 400 m2, lợn được nuôi theo kiểu bán thả rông để phù hợp với tập tính chạy nhảy, kiếm ăn gần giống như sống ở ngoài tự nhiên của chúng. Nói về cái duyên với loài vật nuôi này, ông Ánh cho biết: Từ năm 2010, ông mua một đôi lợn rừng giống Thái Lan từ Công ty Cấp phát giống Thái Bình về nuôi. Từng là cán bộ thú y, biết chút kinh nghiệm, ông tự mày mò chăm sóc và sau đó tham khảo thêm một số kiến thức trên Internet và ti vi. Không có nhiều vốn để mua con giống nên ông Ánh hướng tới việc nhân đàn. Trong năm đầu tiên, đàn lợn đã sinh sôi lên 20 con. Đến cuối năm 2011, gia đình ông đã có 70 con lợn rừng. Hiện tại, tổng đàn lợn rừng của ông đã lên 200 con, trong đó có 12 nái mẹ, mỗi năm sinh sản trên 100 lợn con. Nói về thành công trong việc phát triển đàn lợn rừng, ông Ánh cho biết: Lợn mẹ sinh sản mỗi năm 2 lứa. Những con nái mới, sinh mỗi lứa trung bình 4 - 5 con, lợn mẹ trên 3 năm tuổi, sinh trung bình tới 10 con/lứa. Lợn con nuôi từ 10 đến 15 kg thì gia đình bán giống với giá trung bình khoảng 300.000 đồng/kg nên mỗi con cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Lợn nuôi trên 30 kg bắt đầu bán thịt với giá 200.000 đồng/kg, trung bình mỗi con, cho thu khoảng 6 triệu đồng. Hiện tại, lợn rừng tại trang trại của ông Ánh đã được nhiều người tìm đến mua, thậm chí không đủ nguồn cung. Từ chăn nuôi lợn rừng, năm 2010, gia đình ông Ánh đã thu lãi 64 triệu đồng, sang năm 2011, con số ấy đã được nâng lên 150 triệu đồng. Năm 2012, gia đình ông có thu nhập hơn 300 triệu đồng từ bán giống và lợn rừng thương phẩm. Sắp tới, ông Ánh sẽ mở rộng khu chăn nuôi lợn rừng lên 20.000 m2 và tiếp tục nhân đàn. Vừa qua, ông Ánh cũng đã làm đơn gửi Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh để xin hỗ trợ kỹ thuật làm đệm lót sinh học cho các chuồng nuôi.
Cách gia đình ông Ánh không xa, mô hình nuôi lợn rừng kết hợp trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Duy Vĩnh, ở thôn Hồ, xã Bãi Trành cũng đang gặt hái nhiều thành công. Ông Vĩnh cho biết: “Năm 2005, qua một chương trình khuyến nông của Đài Truyền hình Việt Nam, thấy họ nói nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi lần theo địa chỉ, lặn lội vào tận miền Nam để mua một đôi lợn rừng về nuôi. Do cả hai con lợn ban đầu đều là lợn cái nên không có lợn đực phối giống. Những lứa đầu nhân đàn phải dùng lợn đực nhà nên lợn con sinh ra không thuần chủng, yếu ớt và thường xuyên bệnh tật, tỉ lệ chết cao”. Sau đó, ông Vĩnh đã tìm mua được lợn đực giống đúng loài lợn rừng, việc nhân đàn diễn ra thuận lợi. Tính riêng trong các tháng đầu năm 2013, 7 con lợn nái mẹ của gia đình ông đã sinh sản được gần 50 con lợn con. Vào thời điểm nuôi nhiều, trong khu chuồng trại của gia đình ông có tới 70 con lợn rừng. Đầu ra của con nuôi mới tại gia đình ông Vĩnh chủ yếu bán giống, bán thịt cho người dân địa phương nên giá cũng “mềm” hơn các trang trại khác trong vùng. Hiện tại, ông Vĩnh xuất bán lợn giống với giá 200.000 đồng/kg, lợn thịt khoảng 150.000 đồng/kg. Giá cao hơn lợn nhà, chi phí thức ăn cho lợn rừng lại thấp. Thức ăn ưa thích nhất của chúng là cỏ voi, cây ngô non, sắn, dây khoai, thân cây chuối thái nhỏ, mía... Với các gia đình làm trang trại tổng hợp, những thứ thức ăn trên gần như tự sản xuất được, không mất tiền mua. 3 năm gần đây, mỗi năm gia đình ông Vĩnh có lãi từ 40 đến 60 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động. Ngoài nuôi lợn rừng, gia đình ông Vĩnh còn tận dụng chất thải để nuôi cá, với thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Không chỉ ở Như Xuân, nghề nuôi lợn rừng trong tỉnh thực sự đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Đây cũng chính là mô hình cần được nhân rộng để duy trì và phát triển loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng ở nhiều vùng rừng núi Việt Nam.