00:00 Số lượt truy cập: 2999251

Những triệu phú rừng ở Chân Sơn 

Được đăng : 03/11/2016
Vài năm trở lại đây, việc phát triển kinh tế từ nghề rừng ở xã Chân Sơn (Yên Sơn, Tuyên Quang) được đông đảo các hộ gia đình trong xã rất chú trọng. Từ vài hộ ban đầu đầu tư làm nghề rừng, đến nay, con số hộ dân có rừng tại Chân Sơn lên đến vài trăm hộ; số hộ có thu nhập trên trăm triệu đồng từ rừng/vụ không còn là con số nhỏ.


Đồng chí Phạm Đăng Định, Chủ tịch UBND xã Chân Sơn cho biết: Trước đây, khi chưa có chủ trương trồng rừng đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc nhiều vào trồng lúa, trồng sắn nhưng không đủ ăn. Từ những năm 2000, rừng bắt đầu được trồng nhiều tại đây sau khi một số hộ gia đình đi tiên phong về trồng rừng được thu hoạch và cho giá trị kinh tế cao. Diện tích rừng tại Chân Sơn hiện tập trung tại các thôn: Hoa Sơn, Đồng Dàn, Làng Là, Đèo Hoa và Động Sơn. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên có đời sống kinh tế khá giả, thu nhập ổn định từ trồng rừng và những nghề “phát sinh” từ rừng.


Thôn Đèo Hoa, một trong những thôn đồng bào dân tộc Dao chiếm đa số, những cánh rừng xanh đang phủ dần những quả đồi đất trống đồi trọc ngày nào. Anh Đặng Văn Thảnh, Phó Trưởng thôn Đèo Hoa cho biết: Đèo Hoa gồm 110 hộ gia đình. Từ những năm 1990, chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã được phổ biến đến người dân. Nhưng lúc đó, nhiều người chưa thực sự nhận thức được giá trị kinh tế từ rừng nên không mặn mà với việc trồng rừng. Bắt đầu từ những năm 2005, khi những diện tích rừng trồng đầu tiên của những hộ gia đình tiên phong trong thôn đến tuổi khai thác và cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, những người dân Đèo Hoa bắt đầu nhận rừng, trồng rừng và đầu tư chăm sóc rừng trồng.


Gia đình ông Đặng Văn Đài bắt đầu trồng rừng từ những năm 1993, hiện là hộ có diện tích rừng lớn nhất tại Đèo Hoa, với hơn 7 ha. Khi hơn 5 ha rừng đầu tiên cho thu lãi hơn 60 triệu đồng, ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng lên 7 ha, ước tính đến khi thu cũng có lãi hơn 200 triệu đồng. Là người biết tính toán, cùng với việc trồng rừng, gia đình ông Đài là hộ gia đình đầu tiên tại xã Chân Sơn mở xưởng chế biến lâm sản, đóng đồ mộc. Xưởng chế biến lâm sản của gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Trong gia đình ông Đài giờ chẳng thiếu vật dụng hiện đại nào: Từ xe máy, ti vi, tủ lạnh đến máy vi tính. Ông Đài chia sẻ: Tất cả những gì ông có được hiện nay đều bắt đầu từ rừng.


Từ hiệu quả kinh tế của hộ gia đình ông Đặng Văn Đài, nhiều hộ gia đình trong thôn không chỉ tập trung trồng rừng, còn chủ động đưa những diện tích đất bãi trồng chè hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng rừng như hộ gia đình ông Đặng Văn Cám, đã chuyển 2.000m2; hộ ông Hoàng Văn Viên, chuyển hơn 1 ha. Gia đình ông Đặng Văn Thảnh, Phó Trưởng thôn Đèo Hoa cũng đã chuyển vài trăm mét vuông trồng chè không hiệu quả sang trồng rừng. Hiện gia đình ông Thảnh có 2 ha rừng keo 4 năm tuổi, nhẩm tính với giá cả hiện thời, đến khi thu hoạch, gia đình ông có thu nhập hơn trăm triệu đồng, trong khi tiền công đầu tư vào giống và phân bón chưa đến 2 triệu đồng. Đến nay, diện tích rừng hiện có tại Đèo Hoa là hơn 70 ha, trong đó đã có 6 hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.


Diện tích rừng Chân Sơn hiện có 1.600 ha rừng phòng hộ và gần 1.000 ha rừng sản xuất. Năm 2008, xã có 398 hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Đây chính là một trong những động lực để người dân địa phương gắn bó hơn với việc trồng rừng và tích cực hơn nữa làm giàu từ mảnh đất quê hương.