Tuy nhiên, các chuyên gia đầu ngành cho rằng, giải pháp về tiêu thụ lúa hàng hóa được chủ động hơn năm 2008 nhưng giá thu mua tối thiểu (giá bảo hiểm) và giá thị trường còn nhiều bất cập, lợi nhuận cho người trồng lúa chưa được tính đủ. Vấn đề này cần giải quyết rốt ráo nhằm đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân 2009-2010 sắp bắt đầu. Băn khoăn giá lúa... Mới đây, tại hội nghị giao ban tổng kết sản xuất lúa năm 2009 của các tỉnh phía Nam tổ chức ở tỉnh Đồng Tháp, ngành nông nghiệp kết luận, tình hình sản xuất lúa trong năm 2009 nhiều thuận lợi hơn năm 2008, không bị động về lượng lúa gạo tồn kho trong doanh nghiệp (DN) và trong dân. Mặc dù diện tích gieo sạ 3 vụ lúa toàn vùng ĐBSCL năm 2009 có giảm hơn 24.800 ha so với năm 2008, diện tích chỉ đạt trên 3,85 triệu ha, nhưng sản lượng lúa toàn vùng đã tăng 10.000 tấn. Theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ nay đến hết tháng 12-2009, lượng lúa hè thu và thu đông còn trong dân khoảng 2,4 triệu tấn - nguồn này đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm giống, đồng thời đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu vào đầu năm 2010. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết: “Điểm đáng ghi nhận về tình hình sản xuất lúa năm 2009 của vùng ĐBSCL là lượng lúa tồn đọng trong dân không như năm trước, cơ chế điều hành về giá của Chính phủ cũng linh hoạt hơn. Tuy nhiên, sản lượng lúa tăng năm nay không nhiều và vẫn tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh, giá thu mua thực tế... Hiện nay, Việt Nam đứng trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng giá trị xuất khẩu không cao, do thiếu thương hiệu”. Tiến sĩ Dư đã khẳng định, vụ thu đông (vụ 3) là vụ sản xuất lúa chính trong năm, nhưng mức đầu tư cho vụ này hiện rất kém, với giá thành sản xuất 3.200 đồng/kg hiện tại là không ổn; trong khi đây là vụ lúa chính cung cấp lúa giống cho vụ đông xuân, giống tốt thì vụ đông xuân sau sẽ thắng lợi cao hơn. Mặt khác, năng suất vụ đông xuân 2008- 2009 gần như đã “đụng trần”, thậm chí giảm so với trước, toàn vùng gieo sạ 1,66 triệu ha (tăng 19.000 ha), với sản lượng 10,44 triệu tấn (cao hơn 18.000 tấn so vụ đông xuân 2007-2008), nhưng năng suất bình quân chỉ 6,29 tấn/ha (giảm 0,063 tấn/ha)... Theo VFA, hiện nay, các nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới đều chủ trương giảm lượng gạo xuất khẩu. Do vậy, năm 2009, Việt Nam có thể xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, tăng 40% về sản lượng so năm 2008. Đến ngày 25-9-2009, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu 5,8 triệu tấn và chuẩn bị ký hợp đồng 500.000 tấn gạo giao trong năm 2010. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết: “Các DN thành viên của VFA hiện đã thu mua 5,6 triệu tấn qui gạo, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Đặc biệt, năm 2009, DN chủ động để gạo tồn kho nhằm chờ giá xuất khẩu tăng. Đến trung tuần tháng 9-2009, giá xuất khẩu tăng thêm 30 USD/tấn so với đầu tháng”. Theo ông Phong, gạo trong kho của Thái Lan hiện tồn trên 7 triệu tấn, nhưng giá thành tạm trữ đang ở mức cao hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam và tập trung xuất khẩu gạo phẩm chất cao. Một số nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia... đang chủ trương giảm lượng gạo xuất khẩu do lo ngại mất mùa. Dù nhiều thuận lợi ở thị trường xuất khẩu, nhưng không có nghĩa xuất được tất cả gạo của nông dân làm ra, mà thị trường đã bắt đầu chọn lọc. Do vậy, ngành nông nghiệp cần định hướng rõ ràng về cơ cấu giống lúa phù hợp với thực tế. Không gieo sạ IR 50404 trong vụ hè thu, thu đông vì gạo có phẩm chất thấp, trong khi đây là thời điểm các nước nhập khẩu giảm lượng nhập và chỉ nhập gạo phẩm chất cao để trữ kho. Đây là bài toán khó cần giải quyết của ngành nông nghiệp trước mùa vụ mới sắp bắt đầu. Để đảm bảo công bằng cho người trồng lúa Vụ lúa đông xuân 2009-2010 sắp bắt đầu, theo lịch thời vụ của Bộ NN&PTNT, vùng ĐBSCL sẽ ổn định diện tích xuống giống khoảng 1,6 triệu ha vào đầu tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 12-2009, đảm bảo né rầy đồng loạt. Mỗi tiểu vùng của ĐBSCL gieo sạ khoảng 5 giống chủ lực chất lượng cao và một vài giống bổ sung triển vọng, nhưng mỗi giống đều không vượt quá 20% diện tích gieo trồng/1 vùng. Đặc biệt, hạn chế mức thấp nhất giống phẩm cấp thấp như: IR50404, OM 576... dưới 15% diện tích. Ngành nông nghiệp đề nghị, các địa phương trong vùng cần phối hợp chặt chẽ về lịch thời vụ, nhằm khống chế tốt dịch bệnh. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, nói: “Vụ đông xuân 2009-2010, cố gắng đạt sản lượng 10,5 triệu tấn là tốt nhất, đây là vụ có ý nghĩa quyết định sản lượng lúa cả năm, nên các địa phương cần tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ. Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân không trồng vụ xuân hè, vì đây là cầu nối dịch bệnh cho hè thu chính vụ. Mặt khác, cần tăng cường liên kết để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Nếu không có sự liên kết với ngành thu mua lúa gạo thì không thể xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam”. Theo Tiến sĩ Dư, để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa, các địa phương cần tính đầy đủ giá thành sản xuất sau 20 ngày và sản lượng lúa sau 40 ngày kết thúc gieo sạ để đưa ra giá thu mua lúa bảo hiểm cho nông dân, đảm bảo cho nông dân có lợi nhuận... Năm 2009, Cục Trồng trọt tính giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân bình quân 2.500 đồng/kg, hè thu 2.800 đồng/kg và thu đông 3.200 đồng/kg. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cảnh báo: “Ngành nông nghiệp các địa phương cần tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật sản xuất để hạ giá thành. Việc tính giá thành sản xuất trước mùa vụ để Chính phủ hỗ trợ giá cho nông dân khi giá xuống thấp. Còn DN phải mua theo giá thị trường chứ không thể hạ giá mua khi giá thành sản xuất giảm. Việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam có thể mở đầu từ vùng sản xuất lúa- tôm, bởi vùng này sẽ tập trung gieo trồng 1 giống, thuận lợi cho xây dựng thương hiệu hạt gạo. Nhưng DN cần đặt hàng để nông dân trồng theo hợp đồng, đảm bảo đầu ra”. Hiện nay, Chính phủ đã chủ trương không hạn chế xuất khẩu gạo, nhưng cần điều hòa tiêu thụ lúa cả năm (nhất là vào vụ hè thu khoảng tháng 8, tháng 9 hằng năm, lượng lúa hay bị tồn đọng), đồng thời giải quyết khâu sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa gạo dự trữ. Hiện nay, toàn vùng ĐBSCL tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch mới đạt 28% diện tích gieo trồng với 3.193 máy gặt đập liên hợp và 7.037 lò sấy lúa có năng lực sấy đạt 25,5% tổng sản lượng lúa hè thu (tổng sản lượng lúa hè thu năm 2009 của toàn vùng trên 8,62 triệu tấn). Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam cần chọn 1-2 giống chủ lực và gieo sạ đồng nhất 1 giống, đồng thời xây dựng kho dự trữ lúa gạo, hạn chế thiệt hại cho nông dân. Nhiều nhà khoa học, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận, trở ngại của sản xuất và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam hiện tại không phải ở sản xuất, bởi trình độ canh tác của nông dân được nâng lên rõ rệt, mà nằm ở khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Đây là công đoạn gây tổn thất 5-7%, nhưng chưa được đầu tư bài bản để giải quyết tốt, do đó làm giảm chất lượng hạt gạo và thời gian cất trữ cũng không kéo dài như Thái Lan. Thương hiệu cho hạt gạo là vấn đề sống còn trong hội nhập và cạnh tranh. Khi hạt gạo Việt Nam có thương hiệu vững chắc trên thị trường, sự công bằng cho người trồng lúa được tính toán một cách đầy đủ, cây lúa sẽ phát triển ổn định, bền vững hơn. |