00:00 Số lượt truy cập: 2669207

Ninh Thuận: Hiệu quả từ mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển 

Được đăng : 03/11/2016
Trong điều kiện nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, việc khai thác hải sản trên biển theo kiểu “một mình một thuyền”, thường xuyên gặp nhiều rủi ro… Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ngư dân trong tỉnh Ninh Thuận đã liên kết thành các tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển nhằm giúp ngư dân tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao sản lượng khai thác.

Có thể nói, đầu tiên mô hình tự liên kết với nhau thành các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển dựa vào cơ sở họ hàng, huyết thống hoạt động cùng nghề, cùng đánh bắt trên một ngư trường và cùng có nguyện vọng liên kết hợp tác để nâng cao hiệu quả khai thác. Ngoài việc tương trợ, cứu hộ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn, điều quan trọng là các thành viên trong tổ thường xuyên liên lạc khi phát hiện luồng cá nổi để cùng hợp tác đánh bắt chứ không phải “mạnh ai nấy làm” như trước kia, vừa tốn chi phí, có khi còn xảy ra tranh chấp nếu cùng phát hiện!.

Tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Ninh Chử (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải).

Do hiệu quả đem lại khá cao và tương đối ổn định so với hình thức hoạt động đơn lẻ nên mô hình liên kết thành các tổ khai thác hải sản trên biển phát triển nhanh, nhất là ở các nghề chủ lực của địa phương, như: lưới rê, pha xúc, lưới vây rút chì. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.745 tàu cá đánh bắt hải sản với tổng công suất trên 281.500 CV, trong số này đã hình thành 157 tổ, đội đoàn kết với hơn 800 tàu thuyền tham gia. Trong đó, xã Phước Diêm (52 tổ/271 tàu) và xã Cà Ná (26 tổ/122 tàu) là 2 địa phương của huyện Thuận Nam có số lượng tổ và tàu thuyền tham gia nhiều nhất.

Trao đổi với một số ngư hộ là thành viên của tổ, đội đoàn kết xã Phước Diêm, được biết phương thức khai thác theo tổ đội, hợp tác giúp đỡ nhau trên biển mang lại hiệu quả đánh bắt cao hơn do học hỏi, trao đổi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật của nhau, cộng với rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển… Các thành viên trong tổ hợp tác “phân công” làm dịch vụ hậu cần cho nhau từ việc vận chuyển sản phẩm vào bờ, vận chuyển nhiên liệu và nhu yếu phẩm từ bờ ra cung ứng cho các thuyền đang bám biển... đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, tiết kiệm nhiều chi phí, nhất là nhiên liệu. Ngoài ra, nhờ trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường giá cả từng loại hải sản để khai thác chọn lọc… từ đó mang lại hiệu quả khai thác cao hơn. Đặc biệt, khi gặp bão tố ngoài khơi có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong việc cứu hộ, cứu trợ lẫn nhau. Bà con cho biết thêm, từ khi hình thành tổ, đội đoàn kết trên biển, ngư hộ rất phấn khởi bởi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước gấp nhiều lần, mà còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ các cấp chính quyền, địa phương, cụ thể là được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu, kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu,... nên an tâm khi vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản dài ngày.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Hoạt động khai thác hải sản trên biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Mỗi tổ, đội gồm 3-7 tàu cá tham gia, kịp thời thông tin với nhau về ngư trường đánh bắt những đàn cá lớn hơn, đạt sản lượng cao, nâng cao thu nhập, tiết kiệm thời gian, nhiên liệu trong quá trình tìm kiếm ngư trường và khai thác hải sản, hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai hoặc rủi ro đâm va trên biển và quan trọng là các thành viên tổ, đội đoàn kết giúp nhau làm công tác dịch vụ hậu cần trên biển để các tàu còn lại bám biển, bám ngư trường sản xuất. Đồng thời, Nhà nước còn hỗ trợ cho các tàu tham gia tổ, đội đoàn kết những trang thiết bị thông tin liên lạc giữa trong bờ và tàu đánh bắt ngoài khơi, nhằm mục đích đảm bảo nguồn thông tin liên lạc giữa Chi cục và tàu, nắm bắt kịp thời tình hình và nắm được ngư trường người dân đang khai thác trên biển, hạn chế được tàu thuyền xâm phạm vào vùng lãnh hải của nước khác.

Với những hiệu quả nêu trên, việc nhân rộng là cần thiết, không chỉ giúp ngư dân tăng cường “sức mạnh” giữa biển khơi mà còn góp phần tạo thế và lực để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Mai Dũng