Trong căn nhà năm gian bằng gỗ pơmu, ông Sính nhớ lại ký ức hơn 10 năm trước. Ông kể: “Ngày đó, bản mình nghèo lắm, chỗ nào cũng tràn ngập hoa anh túc, nhà nào cũng có người nghiện. Cuộc sống chìm trong vòng luẩn quẩn: đẻ nhiều, nghèo đói và thất học”. Năm 1997, chính quyền xã có chủ trương triệt phá cây thuốc phiện, khuyến khích nhân dân đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào trồng; ông là người tiên phong thực hiện. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định cai nghiện. Nhưng cai nghiện thành công rồi thì làm thế nào để thoát nghèo? Nhận thấy trong bản còn nhiều diện tích đất trống, ông bàn với vợ vay vốn ngân hàng mở rộng diện tích sản xuất. Chỉ trong một năm, bằng sự quyết tâm, ông đã biến khoảng đất hoang thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp với diện tích khoảng 2ha. Vụ đầu tiên năng suất tuy không cao nhưng cũng giúp gia đình ông không phải... đứt bữa. Khi cái bụng đã no, đôi chân thêm khoẻ, ông cùng gia đình mở rộng diện tích canh tác. Lần này ông trồng thảo quả, loại cây dễ trồng, không tốn công chăm sóc nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều năm vất vả, giờ gia đình ông đã có “bát ăn, bát để”. Với gần 4.000 gốc thảo quả, hàng năm cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng; 2ha ruộng bậc thang cho thu hoạch khoảng 7- 8 tấn lúa/vụ. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi gần 20 con trâu và làm dịch vụ xay xát. ông khoe: “Nhà mình đã thoát khỏi cái khó rồi, lúa nhiều làm nhà hết đói; con lợn, con trâu sinh ra nhiều tiền lắm!”. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Sính còn là tuyên truyền viên tích cực, giúp người dân hiểu được tác hại của thuốc phiện và việc cần thiết phải từ bỏ nó. Trưởng thôn Lù A Súa cho biết: “Ông Sính trở thành tấm gương để cho các gia đình noi theo. Có nhiều người cai nghiện thành công, bắt đầu có những định hướng về con đường thoát nghèo”. |