“Nới lỏng” lệnh ngừng xuất khẩu gạo
Được đăng : 03/11/2016
Sau một tuần thực hiện chủ trương dừng xuất khẩu gạo, giá gạo ở khu vực ĐBSCL đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có hợp đồng đến hạn giao trong thời điểm này lại “ngồi trên đống lửa” bởi nguồn hàng đã thu gom xong, tàu đã cập cảng đón hàng… Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng quyết định “nới lỏng” lệnh ngừng xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Đăng Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại) đã cho biết như vậy tại cuộc trao đổi với PV SGGP chiều qua, 21-11. Ông Chi nói:
Quyết định dừng hoạt động xuất khẩu gạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện 1845/CĐ-TTg là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh giá lúa gạo trong nước, đặc biệt là khu vực phía Nam lên cao. Quyết định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo an ninh lương thực.
Sau hơn 1 tuần thực hiện, chủ trương này đã có tác động tích cực tới việc “hạ nhiệt” giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL. Cụ thể, giá lúa ở ĐBSCL ngày 21-11 đã giảm khoảng 200 đồng/kg so với thời điểm trước khi có lệnh dừng xuất khẩu. Tuy nhiên, do chúng ta đã ký hợp đồng theo kế hoạch nên nhiều doanh nghiệp đến thời hạn giao hàng, nhiều tàu hàng đã cập cảng lấy hàng trong tháng 11 và 12, nếu dừng ngay sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp.
Chỉ cần để gạo lại trong kho khoảng 1 tháng là doanh nghiệp phải chịu thêm phí tổn tái chế thêm 6 - 7 USD/tấn; tàu cập cảng chờ khoảng 10 ngày là đã mất khoảng 50.000 USD. Vì vậy, Bộ Thương mại đã kiến nghị Chính phủ xung quanh vấn đề này và ngày 21-11, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép xuất khẩu 115.930 tấn gạo đã có tàu vào cảng nhận hàng trước ngày 12-11-2006 và hàng đã được đưa ra cảng chờ xuất khẩu, kể cả hợp đồng thương mại và hợp đồng Chính phủ.
Các hợp đồng xuất khẩu gạo đến nay đã đạt gần 4,8 triệu tấn. So với kế hoạch năm 2006 (5 triệu tấn) thì chưa đạt nhưng chúng ta cũng chủ trương chỉ xuất khẩu 4,8 triệu tấn để dành gạo lại cho quý 1 - 2007. Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa của cả nước năm nay tăng so với năm 2005, đạt mức 36,2 triệu tấn. Nhưng chúng ta lại mất do sâu bệnh ở khu vực ĐBSCL trên 700.000 tấn (tương đương với gần 400.000 tấn gạo).
Vì vậy, Bộ Thương mại, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã chủ động ngồi lại với nhau và thống nhất điều hành năm nay sẽ xuất khẩu thấp hơn năm 2005 khoảng 500.000 tấn gạo. Vấn đề không phải ở chỗ chúng ta xuất bao nhiêu tấn mà là xuất được bao nhiêu tiền. Ngay sau khi chúng ta có lệnh dừng xuất khẩu, giá gạo của Thái Lan và Pakistan đã tăng 20 USD/tấn.
Thị trường gạo trong nước đang đứng ở mức cao, thời điểm “sốt” giá nhất là ngày 13-11, ngay sau lệnh dừng xuất khẩu gạo của Chính phủ. Cơn sốt giá gạo này là do tác động của yêu tố tâm lý bởi hàng năm chúng ta vẫn điều chuyển một lượng gạo phía Nam ra phía Bắc để phục vụ tiêu dùng, nhưng với chủ trương dừng xuất khẩu, nhiều người nghĩ rằng đã hết gạo và hạn chế bán ra khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. Cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ, găm hàng; thậm chí một số người còn thu gom lúa để chuyển vào phía Nam…
Thực tế thì miền Bắc năm nay được mùa, không những bù cho miền Nam 700.000 tấn mà còn dư khoảng 400.000 tấn. Đặc biệt là miền Bắc không có tập quán sản xuất lúa hàng hóa, chỉ cần huy động một tàu hàng 10.000 tấn gạo là gây xáo trộn thị trường ngay. Giải pháp từ nay đến cuối năm để bình ổn thị trường là không ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo, doanh nghiệp không nên mua vào vì thực tế đã chuẩn bị đủ hàng, thậm chí trong trường hợp còn tiếp tục sốt giá, chúng tôi sẽ đề nghị đưa 100.000 tấn dành cho xuất khẩu vào hạ nhiệt trên thị trường nội địa. Cần thiết nữa là đưa gạo dự trữ lưu thông ra can thiệp thị trường và kiểm soát chặt chẽ, tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng trục lợi.