Hàng năm, mỗi khi đến dịp Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, trong ký ức của cựu chiến binh Đinh Thanh Quý ở xã Hoá Tiến (Minh Hoá, Quảng Bình) bao nhiêu kỷ niệm của một thời quân ngũ lại hiện về trong niềm cảm xúc dâng trào, bởi vì đối với anh, đó là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời mình. Những năm tháng gian khổ mà hào hùng đó đã rèn đúc cho anh một bản lĩnh kiên cường, để ngày hôm nay trên trận tuyến mới - trận tuyến chống lại đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, cựu chiến binh Đinh Thanh Quý và nhiều đồng đội cũ của anh ở xã Hoá Tiến đã thực sự thành công và trở thành những tấm gương mẫu mực để nhân dân trong vùng tin tưởng, noi theo…
Hàng năm, mỗi khi đến dịp Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, trong ký ức của cựu chiến binh Đinh Thanh Quý ở xã Hoá Tiến (Minh Hoá, Quảng Bình) bao nhiêu kỷ niệm của một thời quân ngũ lại hiện về trong niềm cảm xúc dâng trào, bởi vì đối với anh, đó là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời mình. Những năm tháng gian khổ mà hào hùng đó đã rèn đúc cho anh một bản lĩnh kiên cường, để ngày hôm nay trên trận tuyến mới - trận tuyến chống lại đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, cựu chiến binh Đinh Thanh Quý và nhiều đồng đội cũ của anh ở xã Hoá Tiến đã thực sự thành công và trở thành những tấm gương mẫu mực để nhân dân trong vùng tin tưởng, noi theo…
Cũng như bao nhiêu thanh niên khác ở vùng quê miền núi Minh Hoá, đáp lại lời hiệu triệu thiêng liêng của non sông đất nước, năm 1970, chàng thanh niên Đinh Thanh Quý lên đường nhập ngũ vào Đại đội 367, bộ đội địa phương Minh Hoá. Sau khi huấn luyện xong anh được biên chế vào Sư đoàn 341 tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Nhờ chiến đấu dũng cảm và công tác tốt nên anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi còn trong quân ngũ. Do sức khoẻ yếu không đảm bảo cho việc phục vụ lâu dài trong quân đội, năm 1985 anh xuất ngũ với cấp bậc đại uý. Trở về địa phương trong lúc hoàn cảnh kinh tế gia đình còn rất khó khăn, vốn liếng, nghề nghiệp hầu như chỉ là con số “không”, nhưng với bản lĩnh của một người lính từng vào sinh ra tử, Đinh Thanh Quý đã vượt qua được những khó khăn ban đầu của cuộc sống để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, như làm xã đội trưởng, trưởng thôn, bí thư chi bộ, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh…Mọi công việc từ thôn đến xã anh đều hoàn thành xuất sắc, nhưng nhìn lại cuộc sống của gia đình mình cũng như nhiều bà con trong vùng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đã nhiều đêm Đinh Thanh Quý phải trằn trọc, nghĩ suy…
Vùng miền núi Hoá Tiến quê anh khi đó còn hoang sơ lắm, núi đồi, đất đai bị bỏ hoang khá nhiều. Sau bao nhiêu dự định, cuối cùng Đinh Thanh Quý đã đi đến một quyết định là nhận khoán các diện tích đất trống, đồi trọc để xây dựng trang trại, phát triển kinh tế.
Nhận thấy hướng làm ăn do anh trình bày có tính khả thi cao, xã Hoá Tiến đã đồng ý giao cho cựu chiến binh Đinh Thanh Quý gần 8 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 1,5 ha là rừng khoanh nuôi tái sinh. Có được một diện tích đất rừng khá lớn trong tay, phương án làm ăn đầu tiên mà Đinh Thanh Quý quyết định lựa chọn chính làm mô hình vườn – ao - chuồng - rừng kết hợp. Ý tưởng thì đã có, nhưng vốn liếng, kinh nghiệm, kỹ thuật thì hầu như anh chưa có gì. Đinh Thanh Quý đã suy nghĩ rất nghiêm túc, là muốn thành công thì phải nắm vững kỹ thuật sản xuất. Suốt mấy tháng trời Đinh Thanh Quý đã cơm đùm, gao bới đi đến nhiều trang trại có mô hình vườn - ao - chuồng - rừng trong và ngoài huyện để học tập kinh nghiệm. Đi đến đâu anh cũng chú ý ghi chép tỷ mỷ, cẩn thận và cố gắng ghi nhớ những điều cốt yếu nhất về kỹ thuật xây dựng mô hình, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để sau này áp dụng cho trang trại của mình. Ngoài học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, Đinh Thanh Quý còn sưu tầm nhiều tài liệu khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm và đăng ký tham gia hầu hết các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư do Trung tâm khuyến nông các cấp tổ chức tại địa phương để nắm vững hơn kiến thức sản xuất.
Sau khi đã nắm vững các kiến thức, kỹ thuật cần thiết, cùng với một chút vốn liếng gia đình dành dụm được, anh vay mượn thêm khoảng 60 triệu đồng để bắt tay vào lập trang trại như dự định. Từ mấy quả đồi trọc, khô hạn, bạc màu ở vùng rẻo cao Hoá Tiến, dưới bàn tay, khối óc và cả nghị lực phi thường của cựu chiến binh Đinh Thanh Quý, đã được khoác lên một màu mới, đó là màu xanh của sự sống, màu xanh của sự ấm no và hạnh phúc…Đến nay trang trại của gia đình anh đã trồng được trên 32.000 cây keo lai, tràm hoa vàng; 5.100 cây bạch đàn; 100 cây gỗ huệ; 1.600 cây trầm dó; 2000 gốc chè; 350 gốc tre điền trúc và nhiều loại cây ăn quả khác như xoài, nhãn, chanh, cam…Ở 1,4 ha rừng tái sinh, gia đình anh đã trồng xen được trên 1ha mây và nhiều loại cây khác như tre, nứa, lồ ô, lim, táu…Diện tích đất còn lại trên 0,5 ha, anh cho đào ao thả cá nước ngọt, xung quanh chăn nuôi thêm hàng chục con trâu, bò, đàn ong lấy mật…Nhăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đến nay các loại cây trồng, vật nuôi của gia đình cựu chiến binh Đinh Thanh Quý đã phát triển khá thuận lợi, các loại cây trồng luôn xanh tốt, ít sâu bệnh, các giống vật nuôi lớn nhanh, ít bệnh tật.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại của gia đình, cựu chiến binh Đinh Thanh Quý phấn khởi cho biết, hiện nay, khai thác bước đầu, một năm trang trại của anh cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng đủ để gia đình anh trang trải trong cuộc sống và tiếp tục tái đầu tư mở rộng sản xuất, còn trong vài năm nữa, chỉ riêng tiền bán bạch đàn, keo lá tràm thôi, trang trại của anh cũng có thể cho thu nhập khoảng trên 300 triệu đồng/năm…
Trước khi tôi chia tay cựu chiến binh Đinh Thanh Quý, chia tay mảnh đất Hoá Tiến xa xôi ở vùng miền tây Quảng Bình, tôi còn được anh cho biết thêm, ở Minh Hoá quê anh, còn có nhiều cựu chiến binh khác cũng rất thành công từ các mô hình trang trại vườn rừng…
Chứng kiến sự thành công của cựu chiến binh Đinh Thanh Quý, trong tôi lại trào dâng một niềm cảm phục, cảm phục trước nghị lực vươn lên trong cuộc sống của những người lính trở về sau chiến tranh…