Hiện nay, hàng chục nghìn hộ nông dân Cà Mau đang nợ ngân hàng gần 1,4 nghìn tỷ đồng do nuôi tôm thua lỗ. Ðể trả được nợ vay, tự cứu mình, nhiều nông dân ở Cà Mau đã cách áp dụng các mô hình tăng hiệu quả sản xuất, xóa bỏ độc canh.
Gần mười năm chuyển đổi sản xuất, chỉ riêng lĩnh vực nuôi tôm, hiện có hàng chục nghìn hộ nông dân Cà Mau nợ ngân hàng gần 1,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn, nợ "xấu" không nhỏ. Cách làm nào để giúp nông dân trả được nợ và có thể vay lại để đầu tư đẩy mạnh sản xuất ?
Ruộng vườn thành đầm ao nuôi tôm
Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Cà Mau với hơn 62 nghìn ha nuôi tôm, sản lượng 30-40 nghìn tấn tôm nuôi/năm, chiếm gần một phần ba về diện tích và sản lượng tôm nuôi trong tỉnh. Từ năm 1995 đến 1999, Ðầm Dơi là nơi đầu tiên "phá bờ, bửa đập". Hàng nghìn hộ nông dân lén lút bơm nước mặn vào đất lúa để nuôi tôm và nhiều người đã thành công. Xét cho cùng, tâm nguyện lớn nhất của nông dân ở đây là khát vọng đổi đời, mong muốn làm giàu nhanh trên chính đồng ruộng của mình.
Năm 2000, khi Chính phủ có chủ trương cho phép chuyển đổi sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nông dân Ðầm Dơi rầm rộ biến ruộng vườn thành những cánh đồng ngập mặn nuôi tôm. Ðể có vốn, hầu hết nông dân ở đây phải mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp, vay ngân hàng, hạn mức cho vay ban đầu từ 10 đến 15-20 triệu đồng/hộ/năm và vay nhiều lần.
Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðầm Dơi Võ Hồng Nam, qua gần mười năm chuyển đổi sản xuất nuôi tôm, số hộ dân có đời sống khá lên chiếm đến 50-60%. Tuy nhiên, số hộ sản xuất ở những khu vực mà điều kiện về nguồn nước, môi trường nuôi tôm kém thuận lợi thì thường xuyên gặp rủi ro. Với số hộ này, trong nhiều năm qua, thu nhập từ nuôi tôm chỉ đủ lo cái ăn, chi tiêu hằng ngày, cho nên khó có thể trả được nợ vay ngân hàng.
Ðến cuối tháng 10 vừa qua, toàn huyện còn 11.554 hộ vay ngân hàng hơn 253 tỷ đồng. Trong số này, có 15 tỷ đồng của 620 hộ vay được xếp vào loại nợ xấu, khó thu hồi. Hầu hết số hộ vay nợ nuôi tôm phải vay đi vay lại từ ba đến năm lần và cứ mỗi lần như thế thì nợ lại chồng lên nợ, do phải vay mượn bên ngoài trả vào ngân hàng để được vay lại. Ông Nguyễn Văn Hai, ở xã Nguyễn Huân, Ðầm Dơi, cho biết: Gia đình ông vay 10 triệu đồng cách đây 5 năm, nay đã nợ 30 triệu đồng mà vẫn không có khả năng trả nổi do liên tiếp bị mất mùa tôm. Ðồng chí Nguyễn Xuân Ngàn, Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Xuân, cho biết, hiện nay, cả xã có 450 hộ vay gần ba tỷ đồng, khó có khả năng trả. Trước mắt, địa phương vận động bà con áp dụng các mô hình nuôi trồng đa con để tăng hiệu quả sản xuất; đồng thời đề nghị ngân hàng xem xét, giảm, khoanh nợ cho những hộ thật sự khó khăn.
Gánh nặng công nợ
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tỉnh Cà Mau đã điều chỉnh lại quy hoạch chuyển gần 150 nghìn ha đất lúa sang nuôi tôm, nâng tổng diện tích nuôi tôm hiện nay lên đến 257 nghìn ha, trở thành tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất ở Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, các mô hình nuôi tôm ở Cà Mau chủ yếu vẫn là nuôi quảng canh, còn lệ thuộc nhiều vào tự nhiên; diện tích nuôi tôm công nghiệp thấp; việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào nghề nuôi tôm chưa được phát huy triệt để, cho nên hiệu quả từ nuôi tôm chưa cao.
Mười năm trước diện tích nuôi tôm của Cà Mau là 105 nghìn ha; sản lượng 55 nghìn tấn; mười năm sau diện tích tăng lên 257 nghìn ha, nhưng sản lượng cũng chưa vượt qua ngưỡng 100 nghìn tấn tôm nuôi/năm. Có nhiều nguyên nhân để lý giải điều này, nhưng điều dễ thấy nhất là chuyển dịch sản xuất rầm rộ, trong khi kết cấu hạ tầng về thủy lợi yếu, thiếu đồng bộ; vốn, con giống không đáp ứng nhu cầu. Những năm qua, Cà Mau đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng cho công tác thủy lợi, nhưng cũng chỉ là chắp vá, cải tạo, nạo vét, khơi thông, dẫn và tháo nước mặn, trong khi yêu cầu bức xúc về hệ thống thủy lợi bài bản, căn cơ chủ động phục vụ sản xuất nuôi tôm - trồng lúa vẫn chưa có đáp số đầy đủ.
Nông dân huyện Đầm Dơi nuôi trồng thủy sản trên đất nuôi tôm.
Ðồng chí Lý Nam Hải, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết: Thời gian đầu chuyển đổi sản xuất, nông dân cần một nguồn vốn khá lớn để cải tạo đồng ruộng, chuyển mục đích sản xuất và các ngân hàng đã vào cuộc. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trở thành "bà đỡ", là người bạn đồng hành với nông dân Cà Mau với bình quân mỗi năm cho nông dân vay từ 500 đến 1.000 tỷ đồng và mười tháng vừa qua đã cho vay gần 1.000 tỷ đồng. Dư nợ tại ngân hàng cho 86.264 hộ nông dân vay hiện lên đến 2.014 tỷ đồng, trong đó, riêng nuôi tôm đã có 54.495 hộ với số tiền vay lên đến hơn 1.362 tỷ đồng. Số nợ quá hạn, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tại Cà Mau có nơi là 15-20%; riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dư nợ xấu trong cơ cấu lại các nguồn nợ là hơn 12%; trong đó nợ xấu vay nuôi tôm là 6% của 6.500 hộ với số tiền 110 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng nợ xấu thực tế còn cao hơn nhiều do đến kỳ trả nợ nông dân phải chạy mượn nợ bên ngoài trả vào ngân hàng để được vay lại và cán bộ tín dụng ngân hàng xem xét hồ sơ thấy nông dân trả đủ, trả đúng kỳ hạn là yên tâm, nhưng thực ra đó là nợ khó trả mà ngân hàng không tính đến. Hiện nay, theo đánh giá của các địa phương, đã có đến 80-90% nông dân vay ngân hàng thông qua thế chấp quyền sử dụng đất chưa có đủ khả năng trả nợ. Với hình thức vay đáo hạn như hiện nay thì càng ngày, nông dân nợ càng chồng chất. Một nông dân ở xã Tân Hải, huyện Phú Tân cho biết, năm 2000 được ngân hàng cho vay 50 triệu đồng để nuôi tôm. Sản xuất liên tục mất mùa nên đã liên tục vay bổ sung để trả lãi, đến nay đã nợ gần 200 triệu đồng.
Hỏi chuyện nhiều nông dân ở đây, họ cho biết: Sản xuất tiếp tục gặp khó khăn, lãi vay ngân hàng từ 1,1% nay tăng lên 1,5%/tháng, trong khi giá đầu vào vật tư, cây, con giống tăng, thu nhập từ con tôm lại mất mùa, cho nên chỉ đủ chi tiêu hằng ngày. Ðây thật sự là nỗi lo của nhiều nông dân Cà Mau.
Giải pháp giúp nông dân trả nợ
Ðể trả được nợ vay, nhiều nông dân ở Cà Mau đã "tự cứu" mình bằng cách áp dụng các mô hình tăng hiệu quả sản xuất, hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Tình trạng độc canh con tôm được khắc phục dần. Ngoài con tôm, nhiều hộ dân chủ động lựa chọn các đối tượng nuôi thủy sản khác như cá chình, bống tượng, cua, sò huyết... và tận dụng bờ bao trồng rau màu, cây ăn quả để tăng thu nhập. Vụ mùa năm nay, tỉnh khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm; cùng với việc hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho số hộ khó khăn. Ðến nay, tỉnh đã gieo trồng hơn 45 nghìn ha lúa trên đất nuôi tôm, cao nhất từ trước đến nay. Người nông dân đã ý thức rằng, nếu chỉ độc canh con tôm sẽ khó có lãi.
Nhiều ý kiến cho rằng: Hầu hết nông dân rất cần vốn để đẩy mạnh sản xuất, nhưng trước khó khăn như hiện nay, việc đầu tư cho sản xuất xem ra vẫn chưa tới nơi, tới chốn, vì số đông hộ nông dân còn phải trang trải cho cái ăn, cho tiêu dùng hằng ngày và cho dù có chí thú làm ăn thì vẫn rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Do đó, ngay từ bây giờ, ngân hàng và các ngành chức năng của tỉnh và từng địa phương cần phối hợp khảo sát, rà soát, thống kê cụ thể số hộ thật sự khó khăn để tìm ra giải pháp thiết thực hơn. Xem xét cho giãn nợ hoặc khoanh nợ đối với số hộ thật sự khó khăn; đồng thời tăng thời gian, hạn mức cho vay từ 50 đến 100 triệu đồng với số hộ có điều kiện, quy mô sản xuất trang trại. Chính quyền và các đoàn thể tích cực gợi mở, hướng dẫn, triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả giúp nông dân vươn lên ổn định cuộc sống, trả nợ. Với số hộ vẫn sản xuất có hiệu quả mà cố tình trây ỳ, dây dưa trả nợ, tuy không nhiều, nhưng cũng cần xử lý kiên quyết, khắc phục tâm lý trông chờ được giãn nợ. Theo tính toán, chỉ riêng lĩnh vực cho vay nuôi trồng thủy sản, sản xuất cây, con hệ ngọt, mỗi năm Cà Mau cần khoảng một nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay do dư nợ của hàng chục nghìn hộ nông dân còn chưa trả được, cho nên ngân hàng khó có thể tăng lượng cho vay. Do đó, tỉnh cần có bước đi, cách làm bài bản, quyết liệt hơn nữa mới có thể giúp nông dân trả được nợ ngân hàng, ổn định đời sống.