Cuộc họp đã thống nhất, bắt đầu từ ngày 25/8, UBND huyện Cần Giờ sẽ tiến hành các thủ tục chi trả bồi thường như: thống kê vùng ô nhiễm và niêm yết danh sách những hộ nông dân sẽ nhận tiền bồi thường của Công ty Vedan. Danh sách này sẽ được niêm yết tại các ấp, xã bị thiệt hại. Các tổ bồi thường sẽ được thành lập với khoảng từ 30- 40 hộ nông dân để cùng thảo luận công bằng, công khai số tiền bồi thường cho từng hộ nông dân.
UBND huyện Cần Giờ sẽ lập ra một tiểu ban để tiếp nhận và giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của người dân. UBND sẽ tiếp nhận các đơn thư khiếu nại của người dân trước khi họp bàn lần cuối với các hộ nông dân để thống nhất phương án đền bù sao cho công bằng nhất.
Ông Đoàn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: “Phương án đền bù sẽ do người dân thống nhất với nhau thông qua những tiêu chí như mức độ thiệt hại, quy mô sản xuất, vùng ô nhiễm để tính ra số tiền đền bù cho từng hộ nông dân”.
Trong những ngày qua, khi Vedan chấp nhận đền bù 100% tiền bồi thường thiệt hại thì số hồ sơ khiếu nại tăng lên thêm 151 hồ sơ, so với 839 bộ hồ sơ ban đầu. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện pháp lý cho người dân Cần Giờ cho biết, trong 151 hồ sơ nộp phát sinh sau này đa phần thuộc về những hộ nông dân ở ngoài vùng bị thiệt hại theo kết quả giám định của Viện Tài nguyên - Môi trường, và một số hộ nông dân nằm ở khu vực Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu.
Trong khi TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiến hành các bước tiếp theo trong quá trình chia tiền bồi thường thiệt hại cho nông dân thì với nông dân Đồng Nai, việc kiện Vedan hay chấp nhận mức bồi thường 120 tỷ đồng ngày càng rối.