Hiệu quả thật bất ngờ, nhiều nông dân đã sử dụng thành thạo các kĩ thuật: phục tráng, lai tạo giống. Thậm chí, nông dân còn mạnh dạn xin phép khảo nghiệm giống chuẩn quốc gia cho sản phẩm giống tự lai tạo của mình…
Dân Mớ Đá phục tráng nếp Na
Người nông dân Việt Nam đang đứng trước thực trạng bị lệ thuộc quá nhiều vào nguồn giống. Nhiều bộ giống địa phương bị suy thoái, nguồn gen dần cạn kiệt, các loại giống quy chuẩn được cung cấp chính thống từ các doanh nghiệp giống nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu sử dụng…
Nông dân không còn nhiều lựa chọn, họ dường như lệ thuộc vào các giống lúa lai chỉ sử dụng một lần. Với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, “giải cứu” nông dân khỏi sự lệ thuộc về giống, công nghệ, Cục BVTV đã đưa Dự án BUCAP tới nhiều vùng nông thôn trong cả nước, qua đó xây dựng nhiều mô hình nhóm hộ nông dân sản xuất nông nghiệp theo cơ chế đa dạng sinh học.
Tại tỉnh Hòa Bình, hơn 20 hộ dân thôn Mớ Đá, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi đã được lựa chọn, đào tạo để trở thành những nông dân có trình độ sản xuất cao. Theo chương trình người nông dân sẽ phải từ bỏ thói quen canh tác cũ, họ được chỉ dẫn cách quy hoạch thiết kế đồng ruộng, nhà vườn. Để người nông dân hướng tới đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tiêu chí chung đặt ra cho tất cả các hộ là phải có đầy đủ vườn cây, ao cá, ruộng, chuồng trại phục vụ chăn nuôi…
Tiếp đến, các hộ nông dân được tiếp cận với phương pháp kĩ thuật lai tạo giống, phục tráng giống để luôn chủ động về nguồn giống. Trong kĩ thuật chọn tạo giống, nông dân cũng được đào tạo để có thể tự phân loại đất, chọn chân đất cho từng loại giống. Với phương pháp này họ có thể tự tiến hành thử nghiệm các bộ giống khác nhau, nếu phù hợp sẽ tự duy trì và phục tráng. Sau một thời gian, dự án đã tạo hiệu quả tác động rõ rệt, nhóm hộ nông dân tham gia chương trình đã có những đột phá về năng lực sản xuất kéo theo kinh tế khá giả hơn trước nhiều.
Ông Bùi Thế Nhu, một nông dân trong dự án cho biết, đời sống của bà con trong nhóm đã vượt trội lên so với những hộ dân khác trong thôn: 80% được ở nhà cửa khang trang, 100% sắm đầy đủ tiện nghi cho gia đình, dư thừa lương thực để bán và chuyển sang đầu tư sản xuất. Đặc biệt, người dân đã dần hình thành thói quen áp dụng khoa học kĩ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp. Họ trở nên thành thạo khi sử dụng các kĩ năng chọn dòng phân ly, so sánh giống, lai tạo giống… Mỗi gia đình có thể trồng nhiều loại giống khác nhau phục vụ sở thích, nhu cầu sử dụng. Tự trao đổi giống cho nhau, 70% giống lúa sản xuất có nguồn gốc trong cộng đồng, điều đó khẳng định người dân đã có thể tự chủ động về giống.
Tại Mớ Đá, có rất nhiều giống địa phương truyền thống như nếp Na, nếp Cẩm, Bao thai… do quá trình sử dụng lâu, trước đây lại thiếu kĩ thuật nên các giống này gần như suy thoái. Để bảo tồn, những nông dân dự án đã tự phục tráng thành công các giống lúa địa phương, nhất là giống gạo nếp Na nổi tiếng dẻo và thơm ngon giờ đã trở thành gạo đặc sản chuyên phục vụ cho các nhà hàng.
Hai Lúa An Giang “đòi” khảo nghiệm giống chuẩn quốc gia
Vượt trên mức tưởng tượng của các nhà khoa học, ông Lê Tiến Tâm, một nông dân tham gia chương trình dự án CBDC-BUCAP đã không chỉ dừng lại ở mức tiếp thu, ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất mà còn tự nghiên cứu và lai tạo ra 3 giống lúa mới có năng suất cao. Dựa trên cơ sở bộ giống đã chọn dòng phân ly do cán bộ nông nghiệp cung cấp ông Tâm đã dành trọn 4 năm, toàn tâm toàn ý, để lai tạo bộ giống mới của riêng mình: CM1, CM2, CM3. Ông Tâm cho biết, kể từ khi được đào tạo các kĩ thuật lai tạo giống, một nửa số hộ nông dân trong nhóm của ông đã chuyển hẳn từ sản xuất lúa thịt sang sản xuất lúa giống và bán cho các tỉnh lân cận.
Trong 9 năm thực hiện, dự án đã triển khai tại 26 tỉnh thành trên cả nước thu hút trên 15 ngàn nông dân tham gia. Dự án tổ chức đào tạo kĩ thuật sản xuất nông nghiệp cho 4.672 nông dân. Sau mỗi khóa đào tạo, nông dân được cấp chứng chỉ và được phép tổ chức thành câu lạc bộ sản xuất giống. Cho đến nay, trên cả nước đã có 544 câu lạc bộ hình thành nhờ dự án.
Sản xuất lúa giống tuy đòi hỏi kĩ thuật cao nhưng lợi nhuận luôn vượt xa so với lúa thịt, khoản chênh lệch tối thiểu cũng ở mức 60 triệu đồng/3vụ. Ông Tâm là người đầu tiên trong nhóm chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất và kinh doanh giống. Nhưng song song với công việc sản xuất giống đơn thuần, mỗi vụ lúa ông Tâm âm thầm dành riêng 500 m2 ruộng để nghiên cứu lai tạo giống lúa mới.
Vừa tự mày mò, vừa học hỏi tham khảo ý kiến của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, sau 10 vụ thử nghiệm giống CM1 do ông Tâm lai tạo được các nhà khoa học đánh giá sơ bộ đạt nhiều tiêu chí: năng suất cao từ 6-8 tấn, chất lượng gạo dẻo, thơm ngon, thời gian sinh trưởng ngắn 90-95 ngày… Giống CM1 đã được trồng thử trên 3 miền sinh thái tiêu biểu và đều đạt kết quả khả quan về độ thuần và khả năng chống chịu sâu bệnh. Được biết, vụ hè thu năm 2009, giống CM1 của nông dân Lê Tiến Tâm đã được Bộ NN&PTNT cho phép tiến hành khảo nghiệm lần đầu.