00:00 Số lượt truy cập: 2986505

Nông dân Năm Nhã được Chủ tịch nước gửi thư khen: Sáng chế thầm lặng vì nhà nông 

Được đăng : 03/11/2016

Là nông dân “thứ thiệt” nhưng ông Năm Nhã (SN 1957, ở khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã mày mò sáng chế máy sấy lúa giúp nông dân giảm thất thoát sau thu hoạch.


Sẻ chia với nhà nông

Ngày 8.8, chúng tôi đến nhà ông Năm Nhã (tên thật là Dương Xuân Quả) khi ông và gia đìnhđang ngập tràn niềm vui vì nhận được thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông Năm Nhã kể, ông sinh ra trong gia đình nông dân ở xã Phú Hưng (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Học hết lớp 9, ông đã nghỉ học, về nhà làm ruộng cùng gia đình. Sinh ra và lớn lên tại vùng sông nước Cửu Long nên ông đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nông dân trên ruộng đồng… Sau khi lập gia đình, ông vừa canh tác lúa vừa làm thuê làm mướn đủ thứ nghề để kiếm sống, nhưng cái nghèo vẫn luôn đeo bám lấy gia đình 6 miệng ăn của ông.

Ông Năm Nhã đang lắp đặt một lò sấy lúa mới.

Hết bơm nước mướn rồi chuyển qua nấu rượu, nuôi vịt lấy trứng, làm bánh bông lan, bánh mì… nhưng cuộc sống vẫn không khá lên được. “Sau nhiều năm lang thang khắp nơi để làm thuê, làm mướn, năm 2002 tui về quê mở cơ sở làm cửa sắt. Do thiếu vốn nên thiết bị hành nghề như máy hàn, máy cắt… đều được bà con trong gia đình cho mượn tiền mua. Bà con cho mượn cốt yếu là muốn tui trụ một chỗ để khỏi cảnh tha phương cầu thực” - ông Nhã kể.

Chuyện sáng chế ra máy sấy lúa cũng đến với ông một cách tình cờ. Theo lời ông Năm Nhã thì lúc đó người em ở nhà đối diện mua cánh quạt (bằng sắt dùng để quạt trong lò sấy lúa) của một doanh nghiệp với giá rất cao so với nông dân nên từ đó ông luôn suy nghĩ mình có nghề hàn cửa sắt sao không mua sắt về mà làm cánh quạt tương tự bán cho nông dân với giá rẻ hơn? Vậy là ông miệt mài tìm tòi, làm các bộ phận bằng sắt ở lò sấy và sau đó bắt tay chế tạo lò sấy. Năm 2003, ông cho ra đời lò sấy lúa đầu tiên với công suất 10 tấn/mẻ và được nhiều bà con ủng hộ vì giá thành rẻ hơn nhiều lần.

Là người không được học hành nhiều cũng như đào tạo bài bản nên hầu như ông phải tự học từ khâu bản vẽ thiết kế đến tính toán lắp ráp sao cho ít hao nhiên liệu. Ông cho rằng, nhờ làm đủ thứ nghề trong đó có nghề làm bánh bông lan, bánh mì, nấu rượu bằng trấu... đã giúp ông biết cách dùng trấu đốt nhiên liệu ở lò sấy lúa nhưng khói không có màu trắng hoặc đen gây ô nhiễm môi trường. Ông đã cải tiến từ từ để chiếc lò sấy ngày càng hoàn thiện hơn, giúp nông dân ít tốn nhiên liệu hơn.

Lò sấy trên bờ và lưu động

Liên tiếp sau đó, những lò sấy có công suất từ 10 - 30 tấn/mẻ lần lượt được ra đời dưới bàn tay chế tạo của ông Năm Nhã. Trong đó, hệ thống lò đốt, quạt và băng tải chuyển lúa từ ghe lên bồn sấy và ngược lại là các bộ phận dần dần được hoàn thiện. Nhờ có băng chuyền nên nông dân đỡ tốn chi phí bốc vác, giảm tối đa chi phí sấy lúa. Nhờ sự hữu ích, lò sấy lúa của ông Năm Nhã trở thành người bạn thân thiết của rất nhiều nông dân trồng lúa…

Lò sấy lúa lưu động của ông Năm Nhã rất phù hợp với vùng sông nước Cửu Long.

Khi đã thành công với lò sấy lúa cố định, ông Năm Nhã vẫn chưa muốn dừng lại và tiếp tục nghiên cứu loại lò sấy lưu động để nông dân khỏi phải vận chuyển lúa đi xa, tốn nhiều chi phí. Ông Năm Nhã cho biết: “Khi đến vụ hè thu và thu đông, nông dân làm lúa thường gặp khó khăn về thời tiết (mưa dầm) làm lúa hàng hóa kém chất lượng, nếu vận chuyển đến các lò sấy cố định sẽ tăng thêm chi phí. Vì vậy tôi đã nghiên cứu ra lò sấy nổi lưu động trên sông có thể phục vụ tận nơi tận nhà cho nông dân”.

Thế là thêm một loại lò sấy ra đời và nhanh chóng trở thành công cụ hữu ích cho nông dân. Lò sấy nổi bề ngang 4,5m x 15m, có thể sấy từ 10-15 tấn lúa/mẻ. Lò sấy được thiết kế khung sườn bằng gỗ nằm trên chiếc chẹt (phà bằng gỗ), mặt sàn có hình nhô lên như nón lá được lót lưới trên mặt gỗ, giúp việc di chuyển rất thuận lợi đến từng hộ gia đình và có thể làm dịch vụ sấy thuê trong mùa mưa bão. Đây là lò sấy lúa lưu động đầu tiên ở ĐBSCL với nhiều tính năng phù hợp với vùng sông nước.

Niềm vui khi phục vụ nông dân

Lò sấy của ông Năm Nhã cho ra đời là bước tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp cho nông dân giảm bớt ở khâu thất thoát sau thu hoạch, giảm được chi phí, tăng lợi nhuận… Từ năm 2003 đến nay, ông đã làm ra khoảng 1.300 lò sấy lúa cho nông dân ở khắp cả nước. Có 30 lò đã được xuất khẩu sang Campuchia. Ông Năm Nhã cho biết: “Tui sẽ tiếp tục mày mò, sáng chế, cải tiến các thiết bị để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường và đặc biệt là hiện đại hóa ở khâu sản xuất, giảm nhân công lao động, tăng chất lượng…”.

“Tỉnh An Giang là địa phương có hệ thống lò sấy lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 2.300 lò, đáp ứng 70 - 80% lượng lúa trong tỉnh. Trong đó cơ sở của ông Năm Nhã đã có công rất lớn và hàng trăm lò sấy được xuất mỗi năm. Sự miệt mài, sáng tạo của ông rất đáng được ghi nhận, tôn vinh vì đã góp phần giúp nông dân địa phương và cả khu vực ĐBSCL giảm thất thoát sau thu hoạch”.

Hiện nay, giá trọn bộ một lò sấy lúa của ông Năm Nhã dao động từ 120 - 240 triệu đồng. Nông dân làm lò sấy lúa thuê chỉ vài vụ có thể lấy lại vốn. Lò sấy của ông Nhã có nhiều ưu điểm là tiết kiệm nhiên liệu, hạt lúa khô đều hơn hẳn cả máy ngoại nhập…

Ông Nguyễn Văn Nhơn – chủ 8 lò sấy lúa ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, đánh giá: “Tui làm nghề sấy lúa rất lâu năm và ban đầu chỉ có 1 lò sấy nhưng rất hao nhiên liệu. Khi đó ông Năm Nhã đến hiến kế cho tui gắn thêm cánh lái giúp máy chạy nhẹ và đỡ tốn nhiên liệu. Đến nay tui đã xây dựng đến 8 lò với thiết bị từ cơ sở của ông Năm Nhã…”.

Bây giờ, lò sấy lúa của ông Năm Nhã còn sấy được cả ớt, sắn, đầu tôm, mè và nhiều loại nông sản khác nên nông dân khắp nơi tín nhiệm, yêu thích… Nhận được thư khen của Chủ tịch nước, ông trang trọng treo bức thư ngay giữa nhà. “Đây là nguồn động viên vô giá giúp tui thêm động lực sáng tạo ra nhiều loại máy mới giúp nông dân hiện đại hóa trong sản xuất. Phục vụ cho nông dân là nguồn vui vô hạn với tui và gia đình” - ông Năm Nhã chỉ nói vậy.