Tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam tăng cao, nhìn ở một góc độ nào đó có thể giúp hạn chế hàng nhập khẩu, hạn chế nhập siêu cao. Nhưng với những thứ thiết yếu, buộc phải nhập, thì tỷ giá lại là một gánh nặng mà cả nông dân cũng là người phải gánh.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản ở ĐBSCL nói rằng, mấy tuần nay giá nguyên liệu nhập khẩu tăng vọt. “Tăng khoảng 15% so với tháng trước”, ông nói. Có nhiều nguyên nhân khiến giá tăng, nhưng nguyên nhân chính là do tỷ giá tăng.
Ông tính toán, với thời giá hiện tại thì một ki lô gam thức ăn cho cá da trơn đã ở mức 10.000 đồng. Như vậy, quy ra cá nuôi trong vụ tới có giá thành khoảng 19.000 đồng/ki lô gam. Nếu giá cá giữ mức cao như hiện nay, khoảng 20.000 đồng/ki lô gam, người nuôi mới hy vọng có lãi.
Nhưng giá cá nguyên liệu trong tương lai vẫn là bài toàn chưa lời giải đáp. Bởi nếu giá nguyên liệu cao, đương nhiên để bảo đảm lợi nhuận, doanh nghiệp chế biến phải tăng giá bán. Chỉ có điều, giá cá trong thời gian qua không tăng bao nhiêu, bình quân xuất khẩu chưa tới mức 3 đô la Mỹ/ki lô gam, do đó khó đảm bảo giá cá nguyên liệu sẽ ở mức cao trong thời gian tới.
Vào tháng 3, tháng 4 năm nay, giá đậu nành giảm từ 420 đô la Mỹ xuống còn khoảng 360 đô la Mỹ/tấn, “hấp dẫn” nhiều nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng lượng nhập khẩu. Nhưng sau đó, do khó khăn của ngành chăn nuôi, như người nuôi cá treo ao vì giá cá thấp, heo bị dịch tai xanh… khiến lượng tồn kho khá lớn, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng. Nay giá cá vừa khởi sắc, doanh nghiệp sản xuất thức ăn vừa thở phào thì giá nguyên liệu lại tăng vọt.
Nhưng không nhập để “né” tỷ giá thì cũng không xong. Bởi để sản xuất ra thức ăn chăn nuôi thành phẩm, các công ty phải nhập khẩu trên 80% nguyên liệu từ nước ngoài. Như sản lượng bắp trồng trong nước chỉ đáp ứng chưa được 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu, doanh nghiệp phải nhập 90 - 95%. Các chất khoáng, vitamin, tạo mùi, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 100%... Trong năm 2009, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2,1 tỉ đô la Mỹ các loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, trong đó, trên 1 tỉ đô la Mỹ để mua khô dầu đậu tương, trên 300 triệu đô la Mỹ mua bắp… Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, ước tính năm 2010, Việt Nam phải nhập khoảng 1,6 triệu tấn bắp, tăng 350.000 tấn so với năm 2009.
Theo nhiều nông dân, giá thức ăn gia súc đã vừa tăng thêm khoảng 5.000 đồng/bao. Dù giá heo hơi đã tăng từ 2,3 triệu đồng lên 3 triệu đồng/100 ki lô gam, nhưng theo phía nông dân, với giá ấy thì nuôi cũng chẳng lãi vì giá thức ăn hiện đã quá cao.
Còn thuốc thú y, dành cho nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, Việt Nam vẫn phải hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, tức cũng bị “trói” theo tỷ giá. Hiện ngành thuốc thú y của Việt Nam cũng phải nhập khẩu 100% nguyên liệu. Toàn bộ hóa chất nguyên liệu những loại thuốc khử trùng, sát trùng môi trường nước đều phải nhập vì chưa sản xuất được… Tỷ giá tăng, đương nhiên thuốc thú ý cũng tăng!
Chưa hết! Hiện giá phân DAP bán lẻ đã ở mức 17.000 đồng/ki lô gam, tăng 3.000 - 4.000 đồng/ki lô gam so tháng trước. Còn loại phân thông dụng nhất là urê, cũng mới tăng 2.000 đồng/ki lô gam để ở mức 10.000 đồng/ki lô gam… Giá nhiều loại lúa giống cũng đã tăng bình quân 1.000 - 3.000 đồng/ki lô gam so với cùng kỳ năm trước. Tăng giá mạnh nhất tập trung ở các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao như Jasmine 85, OM 4218, OM 2517, OM 1490, OM 5451... Như vậy, nỗi lo về giá thành đang đè nặng lên nông dân trước thềm vụ đông xuân, dù trước mắt giá lúa vẫn còn hấp dẫn, trên 6.000 đồng/ki lô gam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong mười tháng đầu năm, Việt Nam đã phải nhập khẩu 2,41 triệu tấn phân các loại, tương đương 775 triệu đô la Mỹ. Dù trong đó có hơn một phần ba được nhập từ Trung Quốc, nhưng phía Việt Nam vẫn phải thanh toán bằng đô la Mỹ. Ngoài ra, cũng trong mười tháng đầu năm, hơn 400 triệu đô la Mỹ cũng phải chi ra để nhập khẩu thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỷ giá càng tăng, áp lực tăng giá càng lớn và nông dân càng thêm lo lắng!