Không biết cách phòng tránh và hình thức lao động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đang khiến nhiều nông dân đối mặt với hàng loạt rủi ro trong lao động nông nghiệp.
Gặp nhiều rủi ro vì thiếu hiểu biết
Theo Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường, Giới vì Phát triển cộng đồng PGS.TS Bùi Thị An, người nông dân đang phải đối mặt nhiều rủi ro về sức khỏe liên quan đến lao động nông nghiệp. Nguyên nhân do phải tiếp xúc nhiều với các loại thuốc bảo vệ thực vật mà không có dụng cụ bảo hộ; sử dụng điện và máy móc nông nghiệp không an toàn; điều kiện làm việc trong các làng nghề truyền thống rất thô sơ.
Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2008 cho thấy, cả nước có 6.807 vụ nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, 7.572 người đã nhiễm độc, trong đó 137 người tử vong. Đa phần những trường hợp này nhiễm độc là do không sử dụng trang thiết bị bảo hộ.
Kết quả một cuộc điều tra gần đây của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chỉ rõ, 70% trong số khoảng 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật có triệu chứng ngộ độc. Hơn 35% số người sử dụng thuốc không hề đọc nhãn mác, 94% số hộ nông dân không sử dụng thuốc theo hướng dẫn mà chỉ dùng theo cảm tính.
Vụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện, chỉ sau cao huyết áp, phổi và tai nạn giao thông.
Việc sử dụng điện và máy móc nông nghiệp thiếu an toàn cũng gây nguy hại cho lao động nông thôn. Phần lớn máy móc thiết bị thiếu các bộ phận che chắn bảo vệ, đa số người lao động chưa hiểu rõ và chưa nắm được các nguyên tắc về an toàn khi vận hành máy móc.
Cần nâng cao nhận thức của người nông dân
Thực trạng trên chủ yếu bắt nguồn từ nhận thức của người nông dân. Theo một số khảo sát, thực trạng nhận thức của nông dân về sử dụng điện và thuốc bảo vệ thực vật còn rất hạn chế, khoảng 1/3 số hộ nắm được, 1/3 số hộ biết ít còn lại là không biết. Riêng các hiểu biết về sử dụng máy móc nông nghiệp do có nhiều chủng loại nên tỷ lệ hiểu biết hoặc có biết chút ít chỉ chiếm chưa đến 10%.
Bà Nguyễn Thị Thơm, chuyên viên Ban Xã hội – Dân số, Gia đình TW Hội nông dân Việt Nam cho biết: “Trình độ nhận thức của người nông dân về an toàn vệ sinh lao động còn thấp. Bên cạnh đó, những thói quen tâm lý, giản đơn trong lao động đã hạn chế người nông dân tiếp xúc với những kiến thức về an toàn”.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Bên cạnh đào tạo nghề theo khả năng, nhu cầu, đề án còn đẩy mạnh việc thông tin, tư vấn nghề, nâng cao nhận thức cho người nông dân về an toàn lao động. Đây sẽ là biện pháp lâu dài giúp người nông dân dần từ bỏ thói quen làm việc tự phát và biết cách phòng tránh rủi ro trong lao động.
Theo ông Đinh Hạnh Thưng, Trưởng Ban Khoa học – Công nghệ, Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào cuộc sống không chỉ giúp phát triển nông nghiệp bền vững mà còn hỗ trợ tích cực cho công tác bảo đảm an toàn lao động cho người nông dân.
Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức cho nông dân, hệ thống tổ chức, quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề tại nông thôn cần được hoàn thiện từ trung ương đến địa phương. Các đơn vị quản lý ở cấp huyện, xã bao gồm thanh tra, quản lý và giám sát công tác vệ sinh an toàn lao động nông nghiệp cũng cần được bổ sung.
Trong năm 2008 – 2009, Hội nông dân Việt Nam đã tổ chức 20 lớp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho nông dân theo phương pháp giáo dục hành động. Đào tạo được 400 tình nguyện viên nông dân về an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở, tuyên truyền cho 4.400 lượt người.
Ngày 4/12, Hội Khoa học kỹ thuật và vệ sinh an toàn lao động Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo An toàn vệ sinh lao động đối với lao động nông nghiệp ở nông thôn. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng an toàn lao động tại nông thôn và đưa ra một số kiến nghị, giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động cho nông dân.