00:00 Số lượt truy cập: 2661179

Nông dân khốn đốn vì nạn ốc bươu vàng 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện, nông dân nhiều tỉnh Đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội... đang phải đối mặt với nạn ốc bươu vàng hại lúa trên diện rộng. Nếu không có biện pháp phòng trừ quyết liệt thì nguy cơ mất mùa là rất rõ...


Nhiều thửa ruộng có nguy cơ mất trắng vì ốc bươu vàng phá hoại.

Có mặt tại xã Thạch Hòa (Thạch Thất - Hà Nội), phóng viên ghi nhận được cảnh trứng ốc bươu vàng đang bám đỏ các bờ ruộng, bờ kênh… Tốc độ đẻ trứng của ốc bươu vàng nhanh bao nhiêu thì tốc độ nở con, tốc độ sinh trưởng và tàn phá của chúng cũng nhanh bấy nhiêu. Chị Nguyễn Thị Lan cầm xô ốc vừa bắt được tại ruộng nhà mình than thở: “Nhà tôi có 6 sào lúa thì đều bị ốc bươu vàng cắn phá. Cả nhà 5 người dốc sức diệt mà cứ hôm trước bắt xong thì hôm sau trứng ốc lại bám đỏ bờ ruộng. Kiểu này thì năm nay chúng tôi mất ăn thôi...”.

Đặc tính của ốc bươu vàng là rất thích ăn lá non và lá bánh tẻ. Lúa non bị ốc ăn sẽ không thể phục hồi được, vì khi cắn ngang thân cây lúa, loài ốc này còn tiết ra loại chất nhờn bám vào vết cắn, khiến cây lúa không thể tiếp tục sinh trưởng. Bên cạnh đó, chúng lại sinh sản rất nhanh, một con cái có thể đẻ 2 lần/tháng, mỗi lần 500 trứng; ốc 2 tháng tuổi đã bắt đầu sinh sản và có thể sống tới 4-6 năm. Điều đáng lo ngại là đến nay vẫn chưa có biện pháp nào hữu hiệu để tiêu diệt ốc bươu vàng.

Không chỉ ở Hà Nội, nông dân các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... cũng đang khốn đốn vì nạn ốc bươu vàng hoành hành. Ông Kim Quang Đãng, Bí thư Đảng ủy xã Hải Đường (Hải Hậu – Nam Định) cho biết: “Hiện nay, nhiều diện tích lúa hè thu của nông dân trong xã đang bị ảnh hưởng nặng do ốc bươu vàng phá hoại. Chúng tôi đã chỉ đạo bà con tích cực dùng các biện pháp để diệt trừ. Sắp tới, chúng tôi sẽ phát động phong trào thu mua ốc bươu vàng để huy động người dân tham gia diệt loài dịch hại này”.

Hiện nay, để phòng trừ ốc bươu vàng, cách phổ biến nhất vẫn là sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, một số loại thuốc hóa học có thể trừ ốc bươu vàng khá tốt, nhưng lại rất độc với cá và các loại động vật thuỷ sinh khác, gây tổn hại đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho rằng: “Đối với ốc bươu vàng, chúng ta chỉ có thể dùng một số loại thuốc diệt thông thường; đồng thời, phải tích cực huy động nông dân diệt ốc bằng chiến dịch quy mô lớn, chính quyền các địa phương cần phát động phong trào thu mua ốc để thu hút sự tham gia của đông đảo bà con, góp phần diệt ốc hiệu quả, nhanh chóng”.