00:00 Số lượt truy cập: 3041239

Nông dân lại khóc... sắn 

Được đăng : 03/11/2016

Nhà máy chế biến tinh bột sắn “cửa đóng then cài”, các DN thu mua sắn lát lắc đầu. Hàng ngàn ha sắn đến kỳ thu hoạch nằm chỏng chơ ngoài đồng. Người trồng sắn Ninh Thuận lúc này mới tỉnh ngộ sau cơn mê "nhà nhà trồng sắn"... 


Sắn mọc đầy đồng, dân chẳng thèm thu

Chúng tôi ngược lên quốc lộ 27 của huyện Ninh Sơn, đi tiếp vào các xã vùng sâu Hòa Sơn, Ma Nới rồi ra quốc lộ 27B sang huyện Bác Ái. Đây đều là những vùng trọng điểm sắn của Ninh Thuận với diện tích khoảng 2.000ha, dọc đường đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những rẫy sắn đã đến kỳ thu hoạch nhưng không một bóng người.

Thôn Lương Giang, xã Quảng Sơn- nơi đặt chân NM Chế biến tinh bột sắn của Cty TNHH Chế biến nông sản Ninh Thuận buồn hiu hắt. Chị Đỗ Thị Thanh Vân, nhà đối diện với NM chế biến thở dài thườn thượt khi nhìn NM nằm bất động cả tháng nay không chạy máy. Những năm trước đây, gia đình chị Vân không trồng sắn vì không có đất, nhưng thấy người ta trồng sắn trúng lớn chị Vân nảy sinh ý định “đánh quả” nên đã huy động hết vốn liếng trong nhà lên tận huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng thuê 5ha đất với giá 3 triệu đồng/ha/năm trồng sắn.

Chị phân tích kỹ càng, đây là vùng đất tốt nên chắc chắn sắn cho năng suất cao. Trồng từ tháng 2, đã được 10 tháng tức là đến thời kỳ thu hoạch nhưng chị chẳng biết bán sắn cho ai bởi NM thì nằm im lìm, liên hệ các cơ sở thu mua sắn lát thì họ trốn biệt.

Chị Vân cho kể: Mọi năm toàn thôn Lương Giang với hàng trăm hộ nhưng không một gia đình nào trồng sắn. Năm trước người trồng sắn trúng quá nên tất cả lao vào "ăn theo", thế là toàn bộ diện tích đất rẫy trồng bắp trước đây được bà con chuyển sang trồng sắn, nhà ít thì 1ha nhà nhiều thì 3ha. Giờ tiền của công sức người dân đổ hết ra rẫy sắn đang có nguy cơ bỏ khô ngoài đồng.

Bác Tạ In Đồng cùng thôn với chị Vân than thở: Tôi nhớ mọi năm, giờ này thương lái tấp nập đi mua sắn. Năm nay lạ thật, sắn đầy đồng mà không thấy bóng dáng ai đến dạm hỏi. Nhà bác Đồng năm nay cũng tham gia phong trào trồng sắn với diện tích 3ha, số tiền đầu tư hết 15 triệu. "Nếu không bán được sắn thì không chỉ gia đình tôi mà cả thôn Lương Giang này sẽ bị chết đói vì…sắn"- ông Đồng than thở. 

Đau đầu vì sắn quá nhiều
Bài học  sau phong trào "nhà nhà trồng sắn"

Chưa năm nào trồng sắn, nhưng với quyết tâm “đánh quả lớn”, bác Nguyễn Thành Nghĩa ở thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn đã dốc hết vốn liếng gần 300 triệu, ngoài ra còn đi vay 200 triệu đổ vào trồng 60ha sắn. Giờ 2/3 diện tích sắn đã đến thời kỳ thu hoạch, bác Nghĩa liên hệ với NM chế biến ba lần nhưng họ bảo chưa có kế hoạch chạy máy. "Thất vọng tôi gọi cho một số bạn bè ngoài tỉnh Phú Yên và Gia Lai liên hệ các NM ở đó xem họ có thu mua không, nhưng chẳng có thông tin gì. Vậy là toàn bộ sản lượng sắn của tôi trên 1.000 tấn củ tươi đành phó mặc sắn cho…trời đất".

Đau hơn, nhà không có đất bác Nghĩa đi thuê với giá 1 triệu đồng/ha/năm trồng sắn, ngày xuống giống thấy bác làm quy mô lớn, NM chế biến hồ hởi cử cán bộ kỹ thuật xuống tận ruộng hướng dẫn kỹ thuật, giờ họ quay mặt làm ngơ.

Theo Sở NN- PTNT Ninh Thuận, năm nay toàn tỉnh trồng gần 2.900ha sắn, nghĩa là gần gấp đôi năm trước (1.500ha), nếu năng suất bình quân 20 – 25 tấn/ha thì sản lượng sắn của Ninh Thuận lên tới 60.000 – 70.000 tấn. Những năm trước, lượng sắn trên địa bàn tỉnh đều do Cty TNHH Chế biến nông sản Ninh Thuận bao tiêu, đó là chưa kể tư thương kéo đến tranh nhau mua nên sắn đắt như...tôm tươi.

Anh Lê Văn Hà, PCT UBND xã Mỹ Sơn cho biết: Toàn xã năm nay trồng 170ha sắn, tăng 140ha so với năm ngoái. "Chúng tôi được biết hiện giá các loại nông sản đều tụt sâu. Mặc dù giá thấp nhưng các NM chế biến tinh bột sắn các tỉnh khác vẫn thu mua nên ít nhiều bà con còn thu hồi được vốn, đằng này NM của Ninh Thuận không thu mua cân nào thì chúng tôi chỉ có nước chết. Sắn quá thời gian thu hoạch sẽ xơ hoá, lượng tinh bột ít đi thì làm sao chúng tôi bán được" - anh Hà nói.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 28/11 Sở NN- PTNT đã mời các DN thu mua sắn trên địa bàn cùng ngồi lại bàn giải pháp tiêu thụ sắn cho nông dân, tuy nhiên các DN đã tránh mặt không tới dự. Ông Châu Thăng Long, PGĐ Sở NN- PTNT Ninh Thuận bức xúc: Người nông dân đang thực sự bế tắc!