00:00 Số lượt truy cập: 2998133

Nông dân làm kinh tế trang trại giỏi 

Được đăng : 03/11/2016

Cách khu dân cư Thuỷ Khê khoảng 3 km là chốn đồng hoang, đất đai khô cằn, đã có thời chẳng ai ngó ngàng gì tới và không ai nghĩ trên vùng đất ấy lại biến thành một trang trại chăn nuôi và trồng trọt có quy mô lớn mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh Thái Minh Đức và chị Bùi Thị Loan ở thôn Thuỷ Khê, Gio Mỹ, Gio Linh (Quảng Trị) như ngày hôm nay.


Anh Đức xuất thân trong gia đình nông dân ở chốn quê nghèo đất chật người đông. Người dân nơi đây quanh năm bên mảnh vườn nhỏ và năm ba sào ruộng, cuộc sống của họ chật vật, thiếu thốn. Thấu hiểu được hoàn cảnh ấy, anh đã không khỏi trăn trở, lo toan, canh cánh trong lòng những câu hỏi phải làm sao thoát được cái khó, cái nghèo? Chính những câu hỏi đó đã thôi thúc anh vượt lên hoàn cảnh, quyết tâm bươn chải để tìm hướng đi riêng cho mình. 

Năm 1993, thấy được nhiều lợi thế của vùng đất hoang, anh đã chọn nơi này để định cư và phát triển kinh tế gia đình. Tiếp chúng tôi, anh Đức vui vẻ nói: “Hồi đầu vào đây, vùng đất này hoang hóa lắm, chi chít hố sâu bỏ hoang nên chẳng ai thèm ngó ngàng gì. Hoàn cảnh vợ chồng trẻ, thiếu thốn quá nên tôi đành liều xin đất ở xa dân để có diện tích rộng làm ăn, mong có cơ may đổi đời”.

Những ngày đầu, vợ chồng anh mạnh dạn thuê và đấu ruộng của bà con nông dân, của hợp tác xã ở những nơi khó đi lại và kém phì nhiêu để trồng lúa với diện tích khoảng 5 ha. Gia đình anh đã chủ động bắt đường điện gần 1000m và bắt trạm điện 3 pha, mua máy bơm nước có công suất lớn để tạo nguồn nước tưới thích ứng cho lúa. Đồng thời mua sắm trang thiết bị đầu tư thâm canh với 1 máy phay, 1 máy gặt để phục vụ cho việc gieo cấy và thu hoạch lúa hàng năm. Trên diện tích 5 ha, mỗi năm thu hoạch hai vụ với sản lượng lúa từ 30-32 tấn, mang lại nguồn thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng.


Chị Bùi Thị Loan đang tắm mát cho đàn lợn siêu nạc

Ở những vùng đất trũng ngày ấy, nay là những ao cá rộng lớn với diện tích gần 2 ha, vợ chồng anh Đức nuôi các loại cá mè, chép, trắm cỏ, rô phi… Nhằm chủ động nguồn giống phục vụ cho việc nuôi cá quanh năm, anh mở rộng diện tích và tách ao nuôi cá giống.Đến nay, gia đình anh là nơi cung cấp cá giống đảm bảo chất lượng cho bà con trong vùng. Nhờ sự cần cù chịu khó, áp dụng khoa học, kỹ thuật và tuân thủ nghiêm nguyên tắc, phòng trừ dịch bệnh nên những vụ cá của gia đình anh liên tiếp thắng lợi, cho thu nhập cao. Anh cho biết mỗi năm trừ chi phí, lợi nhuận từ nuôi cá giống từ 15-20 triệu đồng và cá thịt khoảng 10 triệu đồng.


Anh Thái Minh Đức khởi động máy bơm nước tại đồng ruộng gia đình

Chưa dừng lại ở đó, gia đình anh đầu tư chăn nuôi lợn siêu nạc, mỗi năm nuôi 04 lứa, một lứa từ 50-70 con, xuất chuồng gần 05 tấn/năm. Trừ chi phí cho thu nhập gần 50 triệu đồng. Phân heo được sử dụng làm nguồn thức ăn chính cho cá, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra gia đình anh còn nuôi gà, vịt, mỗi năm cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu nhập cao, vợ chồng anh mua sắm trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình và lo cho các con ăn học, đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi và đầu tư phát triển kinh tế.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, vợ chồng anh Đức còn tham gia tích cực trong các hoạt động xã hội của địa phương. Đặc biệt, năm qua gia đình Anh đã hiến hơn 1000m2 đất để xây dựng trường Mầm non Cụm Cẩm Khê (xã Gio Mỹ).

Vừa qua, gia đình Anh được UBND xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh công nhận hộ nông dân đạt danh hiệu điển hình tiên tiến giai đoạn 2005-2009 và được tặng nhiều Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới./.