00:00 Số lượt truy cập: 3036584

Nông dân phấn khởi vì lúa, gạo được mùa, được giá 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ đông xuân năm nay, bà con Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phấn khởi vì được mùa, được giá. Hiện, gạo nguyên liệu loại I giá 5.400-5.450 đồng/kg, gạo thành phẩm 5% tấm 6.800 - 6.900 đồng/kg, gạo 25% tấm khoảng 6.000-6.100 đồng/kg... Tuy nhiên, để tránh lặp lại những bài học cũ thì công tác dự báo, thu mua phải chủ động.

Lúa trúng mùa, được giá

Dù năm 2008, giá lúa gạo tăng giảm thất thường, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn nhưng bước vào vụ đông xuân 2008 - 2009, nông dân ĐBSCL vẫn gieo cấy được hơn 1,5 triệu hécta, tăng hơn 20.000ha so với năm trước, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, cao hơn gần 300kg/ha, tổng sản lượng 9,4 - 9,5 triệu tấn, trong đó lúa hàng hoá dành cho xuất khẩu khoảng 2,4 triệu tấn. Bà Bùi Thị Hạnh ở Vĩnh Hòa (Gò Quao - Kiên Giang) vừa thu hoạch xong 15 công ruộng, khoe: “Năm nay, thương lái xuống mua tận ruộng chứ không phải chờ như trước. Vụ này vừa trúng mùa lại được giá nên bà con ai cũng vui”.

Hiện, giá lúa jasmine đạt 4.600 - 5.000 đồng /kg, giống ST 5.000 đồng/kg, Tài Nguyên 7.000 đồng/kg. Ngay cả giống IR 50404, trước bị chê nay cũng được doanh nghiệp mua với giá 3.800 - 4.000 đồng/kg..., cao hơn trước Tết khoảng 500 đồng/kg. Tỉnh Sóc Trăng được xem là trung tâm của những giống lúa đặc sản xuất khẩu, năm nay bà con trúng đậm bởi năng suất và giá cả đều tăng. Tại những ruộng mới thu hoạch, nhiều vùng cho năng suất 6 tấn /ha, giá lúa 4.900 - 5.200 đồng/kg, bà con lãi khoảng 17 triệu đồng/ha. Tại Bạc Liêu, giá lúa còn cao hơn ở Sóc Trăng. Theo nhiều thương lái, tại các huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, lúa Tài Nguyên ướt mua tại ruộng có giá 5.400 - 5.600 đồng/kg, cao hơn 1.500 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Dự kiến lượng lúa, gạo xuất khẩu năm nay sẽ đạt mức 4,5-5 triệu tấn. 

Tuy thị trường lúa gạo bắt đầu sôi động nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, năm nay khó diễn ra tình trạng sốt giá như năm ngoái. ông Trần Thanh Vân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Gentraco nhận định: “Thông thường, khi lúa đông xuân vào vụ thu hoạch rộ, giá lúa sẽ bình ổn trở lại. Giá lúa ở ĐBSCL tăng giảm tuỳ vào sự điều tiết theo kế hoạch xuất khẩu gạo của Chính phủ. Tuy nhiên, năm nay tình hình cho thấy các doanh nghiệp sẽ không tập trung thu mua ào ạt như mọi năm vì đa phần hợp đồng xuất khẩu gạo rải đều vào các tháng trong năm. Do đó, giá lúa sẽ khó tăng mạnh”.

Khẳng định thương hiệu gạo Việt

 

Tình hình xuất khẩu (XK) gạo những tháng đầu năm 2009 có dấu hiệu rất khả quan. Đến 15/02/2009 cả nước đã XK trên 670.000 tấn gạo các loại, tăng 40% (khoảng 270.000 tấn) so với tổng lượng gạo XK của cả quý I/2008 (quý I/2008 cả nước XK trên 400.000 tấn gạo). Theo Bộ NN - PTNT, từ nay đến tháng 6/2009 sẽ sản xuất khoảng 3,4 triệu tấn gạo.


Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Trương Thanh Phong nhận định, thị trường lúa gạo trước mắt đang có nhiều tín hiệu tươi sáng. Tính riêng tháng 1/2009, lượng gạo xuất khẩu đã đạt 310.000 tấn, mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây. Với đà này, gạo tồn từ cuối tháng 12/2008 sẽ nhanh chóng được xuất kho để chuẩn bị thu mua tiếp lúa đông xuân. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 2 đạt 410 USD/tấn.

Tuy nhiên, cũng theo nhiều chuyên gia, nếu những tháng đầu năm thị trường xuất khẩu gạo có nhiều tin vui thì 6 tháng cuối năm lại được dự báo sẽ xảy ra biến động bất thường. Dự kiến, lượng lúa, gạo xuất khẩu năm nay sẽ ở mức 4,5-5 triệu tấn.

Để tránh tình trạng bà con nông dân lao đao vì giá lúa gạo tăng, giảm thất thường như năm 2008, trong buổi làm việc với hai Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc về việc để xảy ra hiện tượng sốt giá gạo hồi cuối tháng 4/2008. Trong năm nay, Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Lương thực miền Bắc phải chủ động thu mua hết lúa gạo cho nông dân, đảm bảo nông dân có mức lãi hợp lý”.

Cũng theo Thủ tướng, việc cần làm hiện nay là phải nhanh chóng nâng cấp và đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa lương thực để chủ động thu mua lúa gạo và xuất khẩu nông phẩm, góp phần khẳng định được vị thế và thương hiệu gạo Việt Nam, tạo thế vững chắc trên thị trường gạo thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng mức đầu tư của đề án này dự toán hơn 7.000 tỷ đồng. Phương án đầu tư xây dựng hệ thống kho sẽ chia làm 2 phần: sửa chữa, nâng cấp hệ thống kho cũ và xây mới các kho hiện đại, tập trung chủ yếu tại Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh. Việc xây dựng hệ thống kho sẽ hoàn thành trong ba năm (từ năm 2009-2011), trong đó, hệ thống kho xây mới có tổng công suất dự trữ 2,8 triệu tấn lúa gạo. ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết doanh nghiệp này đang triển khai dự án xây dựng hệ thống kho chứa 1,5 triệu tấn lúa gạo tại vùng ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư lên 2.300 tỉ đồng