00:00 Số lượt truy cập: 3076867

Nông dân quyết "kiện" ngành điện 

Được đăng : 03/11/2016

Ngày 9/11, văn bản kiến nghị về việc “hỗ trợ thiệt hại” cho nông dân do xả lũ gây ra của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng (do Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Duy Việt, ký) đã chính thức được gửi đến Công ty Thủy điện Hàm Thuận Đa Mi – đơn vị quản lý và khai thác thủy điện Đa Nhim nằm trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đây có thể xem là động thái thể hiện sự quyết tâm cao của tổ chức đại diện cho nông dân – Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng – trong vụ việc này.


Văn bản kiến nghị nói trên của Hội Nông dân Lâm Đồng có nội dung: “Việc ngập lụt gây thiệt hại cho nông dân ở Đơn Dương, Đức Trọng do hồ Đa Nhim xả lũ đã xảy ra nhiều năm, song Công ty thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi chưa có động thái phù hợp, gây ác cảm giữa nông dân với Công ty”. Trong thực tế, việc xả lũ hồ thủy điện Đa Nhim gây thiệt hại cho nông dân đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu tiên Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đứng ra kiến nghị bằng văn bản với tư cách là người đại diện để bảo vệ quyền lợi cho nông dân. 

Các hồ thủy điện trên thượng nguồn xả lũ khiến khu vực hạ du bị ngập nặng

Được biết, đợt mưa lũ từ 1 – 4.11 vừa qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đe dọa đáng kể đến sự an toàn của công trình thủy điện Đa Nhim, một trong những công trình thủy điện lớn của quốc gia nằm trên địa bàn huyện Đơn Dương. Bởi vậy, bắt đầu từ 1.11, hồ thủy điện Đa Nhim tiến hành xả lũ cho đến hết ngày 4.11 với mức xả từ 150m3/s (1.11) đến 500m3/s (3.11), sau đó giảm xuống còn 200m3/s (4.11). Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, ông Đinh Ngọc Hùng, đưa ra con số thống kê: Mức độ thiệt hại do mưa bão và xả lũ hồ Đa Nhim đợt vừa qua gây ra cho huyện Đơn Dương tương đương 22 tỷ đồng. Thiệt hại này hầu hết đều thuộc về người dân (650ha rau màu, 188ha lúa…) sống dọc theo sông Đa Nhim – phía hạ lưu hồ thủy điện Đa Nhim.

Trong thực tế việc xả lũ hồ thủy điện Đa Nhim gây thiệt hại cho nông dân đã diễn ra từ nhiều năm nay; nhưng như đã nói, đây là lần đầu tiên Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đứng ra kiến nghị bằng văn bản với tư cách là người đại diện để bảo vệ quyền lợi cho nông dân.

Ở một phương diện khác, ông Mai Nam Dương - Phó GĐ Sở NN-PTNT, Phó Trưởng Ban PCBL tỉnh Lâm Đồng – cho rằng: Việc xả lũ hồ Đa Nhim là điều hết sức… bình thường, mức xả cũng nằm trong phạm vi cho phép, thậm chí là còn thấp hơn nhiều so với thiết kế. Ông Dương nêu cụ thể: Năm 1993, hồ thủy điện Đa Nhim cũng đã từng xả lũ, và mức xả lên đến 1.600m3/s chứ không chỉ 500m3/s như vừa qua. Tuy nhiên, năm đó, vùng hạ lưu cũng bị thiệt hại rất nặng nề. Cụ thể, mức xả 1.600m3/s của năm 1993 được ghi nhận là mức xả lớn nhất của hồ thủy điện Đa Nhim trong vòng 45 năm qua (1965 – 2010). Hậu quả của lần xả lũ Đa Nhim năm 1993 đã làm cho 1 cầu sắt và 15 ngôi nhà bị trôi, hàng ngàn hecta hoa màu và cây lâu năm bị nhấn chìm, hầu hết 5 trong tổng số 9 xã của huyện Đơn Dương bị ngập lụt… với tổng mức thiệt hại lên đến 20 tỷ đồng.

Được biết, Lâm Đồng là một trong những địa phương từng nhận không ít lời cảnh báo từ các nhà khoa học về vấn đề quy hoạch các công trình thủy điện: Sự phát triển thủy điện một cách ồ ạt và thiếu tính khoa học như hiện nay là mối đe dọa rất lớn. Với hàng trăm thủy điện lớn nhỏ đang có và sẽ được xây dựng trên địa bàn Lâm Đồng, không chỉ hệ thống sông ngòi bị uy hiếp mà hàng ngàn hecta rừng của địa phương này cũng đã và sẽ bị mất đi, gây mất cân bằng sinh thái một cách nghiêm trọng. Theo tính toán của Sở TNMT Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh này, cứ để sản xuất được 1MW điện thì phải đánh đổi đến 16ha đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp.