Để hội nhập với nền kinh tế thế giới, đòi hỏi chất lượng sản phẩm không ngừng nâng lên mới cạnh tranh được. Nông dân Quảng Nam với sự hỗ trợ đắc lực của Hội Nông dân tỉnh đã thay đổi các phương thức canh tác truyền thống bằng những phương thức mới và bước đầu đã gặt hái được thành công.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa không ngừng tăng lên. |
Chuyển mình…
Quảng Nam là tỉnh thuần nông, người dân sống chủ yếu nhờ vào thu nhập nông nghiệp. Vì vậy, việc thay đổi để có thể phát triển bền vững là yêu cầu cấp bách của nông dân. Nắm bắt được điều đó, Hội Nông dân tỉnh đã xác định được vai trò, trách nhiệm về công tác “Nông vận” trong giai đoạn này. Từ đó, hội đã xây dựng và củng cố hoàn thiện 240 cơ sở hội, 8.909 chi tổ hội với 227.600 hội viên, chiếm tỷ lệ 91% so với nông dân. Đặc biệt là việc vận động nông dân thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, phát triển sản xuất, chủ động phối hợp, liên kết với các ngành liên quan để tín chấp, hỗ trợ vốn vay cho nông dân gần 800 tỷ đồng; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư vốn mua các loại máy nông cụ, vật tư, phân bón, giống cây trồng, con vật nuôi để đạt được giá trị kinh tế cao.
Với sự hỗ trợ đắc lực của Hội Nông dân tỉnh, đã có nhiều nông dân trở thành chủ doanh nghiệp với thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng. Đi lên từ hai bàn tay trắng nhưng bằng sự nỗ lực của chính mình, anh Nguyễn Văn Kiệt (thôn Đông Hòa, Điện Thọ, Điện Bàn) đã vươn lên thành một tỷ phú trẻ. Nguồn vốn vay ưu đãi từ Qũy hỗ trợ nông dân, anh đã mạnh dạn đầu tư lập trang trại chăn nuôi tổng hợp. Hiện nay, Công ty TNHH Trường Giang của anh đã trở thành nơi cung cấp nông sản chủ yếu cho các đầu mối tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Anh chia sẻ: “Là nông dân trong thời kỳ mới, mình phải nghiên cứu kỹ những mô hình sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Khi đã đảm bảo được sự phát triển thì phải liên hệ để có đầu ra cho sản phẩm. Nông sản của mình nếu không đảm bảo về chất lượng thì khó có đầu ra ổn định được. Mà muốn có sản phẩm có chất lượng thì đòi hỏi phải có sự đầu tư, chăm sóc kỹ, đồng nghĩa với việc chi phí cũng tăng. Vậy nên phải luôn đảm bảo cân bằng được giữa thu - chi thì mới có thể phát triển bền vững được”.
“Hiện nay, hội đang cố gắng để chuyển đổi tư duy nhận thức về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa nông sản, đảm bảo năng suất, chất lượng, tăng giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu có uy tín và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường phối hợp với các đoàn thể, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, các nhà khoa học để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ về vốn, giúp nông dân có thể phát triển một cách toàn diện hơn”. (Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh) |
Nông dân bây giờ cũng nghiên cứu để lai tạo thành công giống lúa mới năng suất cao, phù hợp với đặc điểm của địa bàn. Đó là một nhóm nông dân tại HTX Điện Thọ 1 (Điện Bàn) mà đứng đầu là anh Nguyễn Quốc Cường và chị Phan Thị Tuyền. Bằng những kinh nghiệm của một người gắn bó lâu năm với cây lúa, thông qua một lớp tập huấn của Sở NN&PTNT, họ đã lai tạo thành công giống lúa mới lấy tên là CT2. “CT là viết tắt chữ Cường và chữ Tuyến để ghi nhớ thành quả của chúng tôi. Số 2 là lần lai tạo thành công, sau lần đầu thất bại” - anh Cường giải thích.
Năm 2007, giống lúa CT2 được HTX 1 Điện Thọ cho gieo trồng trên diện tích thí điểm đã cho năng suất cao, trung bình từ 70 - 80 tạ/ha. CT2 là giống lúa trung ngày với thời gian gieo trồng từ 110 - 115 ngày cho vụ đông xuân và 105 - 110 ngày cho vụ hè thu. Cây lúa lai CT2 thân thấp, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cây cứng, kháng rầy tốt và đẻ nhánh khá. Hạt gạo dẻo ngon, thơm nên được người dân ưa chuộng. CT2 được đánh giá là giống lúa chất lượng cao.
Với những đặc điểm nổi bật về chất lượng lúa cũng như khả năng thích nghi tốt của giống lúa CT2, đầu vụ hè thu năm nay, Công ty cổ phần Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam đã mua lại bản quyền giống lúa với trị giá trên 200 triệu đồng và đổi tên thành giống QNam1, được Sở NN&PTNT cho phép đưa vào sản xuất trên các cánh đồng của các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An cho năng suất cao. Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, giống lúa QNam1 có khả năng chống bệnh, thích nghi với khí hậu miền Trung và là giống lúa có thể gieo trồng 2 vụ đông xuân và hè thu.
Ông Nguyễn Trường Bộ (thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, Nông Sơn) chia sẻ: “Là nông dân không nhất thiết phải gắn với con trâu, cái cày, đồng ruộng. Mình phải có một cái nhìn khác về thời cuộc, có như thế mới có thể tồn tại được. Không hẳn cứ làm theo người ta thì mình cũng đạt được kết quả tốt. Tóm lại là phải dám dấn thân, dám mạo hiểm để có được kết quả tốt”.
Giống lúa CT2 được anh Cường và chị Tuyền lai tạo thành công. |
Là nông dân chính gốc, nhưng ông Bộ nhận ra rằng nếu cứ cố bám trụ với cây lúa trên mảnh đất đầy mưa lũ này thì khó khấm khá lên được. Vì thế, ông đã chọn một mô hình mà chưa ai nghĩ đến: trồng những cây trầm cảnh. Những năm đầu, ông lặn lội khắp nơi, từ Tiên Phước cho đến Hiệp Đức, thu mua cây trầm để phát triển thành cây cảnh. Đến nay, vườn cây của ông có hơn 2.000 cây với giá bán ra thị trường từ 3- 40 triệu đồng/cây. “Mình có như ngày hôm nay là nhờ dám nghĩ dám làm, không nhụt chí. Thêm vào đó, mình cũng được sự ủng hộ của Hội Nông dân rất nhiều, từ kỹ thuật chăm sóc cho đến việc quảng bá sản phẩm” - ông Bộ nói. Đến nay, các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Trung Quốc đã tìm đến với ông như một địa chỉ đáng tin cậy.
Tạo đà phát triển
Quảng Nam có trung du, miền núi, đồng bằng, vùng cát ven biển và hệ thống sông ngòi khá dày đặc là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình kinh tế trang trại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.200 trang trại phân bố khắp các vùng với quy mô từ vài sào đến hàng trăm héc ta; từ đối tượng sản xuất là gia súc, gia cầm, thủy sản cho đến các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao; từ phương thức sản xuất độc canh cho đến các mô hình hỗn hợp, VAC, nông lâm kết hợp… Hầu hết các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao so với phương thức canh tác truyền thống. Mức thu nhập vài trăm triệu/ha/năm không còn là chuyện xa lạ với nhiều nông dân.
Theo ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, mô hình kinh tế trang trại đem lại hiệu quả cao, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho kinh tế nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là nông dân phải biết thay đổi nhận thức, cách thức sản xuất!