Gía gạo tăng đáng kể Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép mua dự trữ 500.000 tấn gạo của vụ lúa hè thu, giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có chuyển biến tích cực. Hiện giá lúa ở khu vực này đã lên tới 4.300 - 4.500 đồng/kg. Theo đó, giá gạo hàng hóa cũng tăng khoảng 350-400 đồng/kg. Cụ thể, nửa tháng trước, giá gạo nguyên liệu loại 1 ở Sa Đéc (Đồng Tháp) khoảng 5.080-5.100 đồng/kg thì nay tăng lên 5.500 đồng/kg, gạo nguyên liệu loại 2 từ 5.000 đồng/kg tăng lên 5.350 đồng/kg. Giá lúa gạo trong nước tăng cũng ảnh hưởng tích cực đến giá gạo xuất khẩu. Gạo 5% tấm giao tại cảng trước đây khoảng 6.500 đồng /kg thì nay giá tại kho đã là 6.750 đồng/kg, nếu cộng thêm 80 đồng cước phí trên mỗi kilôgam gạo thành phẩm ra tới cảng thì giá gạo thành phẩm 5% tấm hiện là 6.830 đồng/kg. Gạo 15% tấm thành phẩm tại kho hiện là 6.500 đồng/kg, gạo 25% tấm 6.200 đồng/kg. Theo VFA, đến thời điểm này, các doanh nghiệp thành viên mới thu mua được 289.000 tấn gạo, tương đương 57,8% kế hoạch. Điều này trái ngược với việc thu mua dự trữ đợt 1, khi các DN đã mua được 490.841 tấn gạo, vượt 122,71% kế hoạch thu mua trong tháng 8 là 400.000 tấn. Nhiều ý kiến cho rằng, giá lúa gạo tăng cao thời điểm này ngoài nguyên nhân kích cầu từ Chính phủ, còn xuất phát từ thực tế lúa hè thu trong dân đã gần hết, trong khi lúa thu đông mới bắt đầu thu hoạch. Nhưng trên thực tế, ở một số địa phương, lúa hàng hoá trong dân vẫn còn tương đối khá. Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, lượng lúa hàng hoá vẫn tồn khoảng 250.000 tấn. Anh Cao Văn Trí, thương lái chuyên thu mua lúa ở khu vực Tứ giác Long Xuyên cho biết, nhiều hộ vẫn còn trữ khá nhiều lúa hè thu, bằng chứng là dù giá lúa đang lên cao, nhưng hiện mỗi ngày, anh Trí vẫn thu mua được khoảng 50 tấn. Trữ lúa chờ giá tăng Ông Lý Văn Nhỏ ở ấp Định Hòa A, xã Định Môn (Thới Lai - TP Cần Thơ) vừa thu hoạch 7 công lúa vụ 3 (1 công = 1.000m2), bán với giá 3.800 đồng/kg, cho biết: “Tôi vừa bán lúa với giá 3.800 đồng/kg, với giá này tính ra lời 200.000 đồng/công”. Còn ông Trần Văn Út ở khu vực Thới Hòa B, phường Long Hưng (Ô Môn - TP Cần Thơ), bộc bạch: “Với giá lúa ở mức 3.800-3.900 đồng/kg, nếu ai làm lúa đạt năng suất từ 30 giạ/công trở lên sẽ có lời vài trăm nghìn đồng/công. Nhưng nếu năng suất thấp hơn thì sẽ khó có lời do chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và nhân công đều cao hơn so với vụ đông xuân và hè thu trước. Theo tôi, giá lúa từ 4.000 đồng/kg trở lên nhà nông mới đảm bảo có lợi nhuận. Vụ thu đông (vụ 3) này, tôi làm được 5 công lúa, hiện đã gặt xong 3 công. Tôi thấy giá lúa còn thấp nên định phơi khô lúa rồi trữ lại chứ không bán liền”. Cũng như trường hợp của ông Trần Văn út, nhiều nông dân ở TP. Cần Thơ cho rằng, với giá lúa như hiện tại, nhà nông chưa có lợi nhuận nhiều, thậm chí còn bị lỗ nếu năng suất thấp. Vì vậy, nhiều nhà nông có ý định trữ lúa lại để chờ giá tăng thêm chút ít. Tuy nhiên, điều lo lắng của họ là liệu giá lúa sẽ còn tăng thêm và VFA sẽ còn tiếp tục hỗ trợ nông dân bằng cách tiếp tục thu mua gạo để tạm trữ sau khi đã mua xong 500.000 tấn? Mặt khác, cái khó của nông dân là không phải ai cũng có điều kiện về vốn và kho bãi để trữ lúa. Chưa kể, nhiều nhà nông thường mua phân bón và vật tư thiếu chịu cửa hàng, đến khi thu hoạch lúa phải bán ngay để thanh toán nợ. Chính vì vậy, nhiều nông dân mong muốn doanh nghiệp bên cạnh việc thu mua gạo, cần thu mua lúa tạm trữ để giúp nông dân có thể bán được lúa với giá đảm bảo có lãi cao. |