00:00 Số lượt truy cập: 3083263

Nông nghiệp -"chiếc phao" trong tái cơ cấu nền kinh tế 

Được đăng : 03/11/2016
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, khi nước ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi thì nông nghiệp sẽ là “chiếc phao”, là “tấm chắn” để tái cơ cấu nền kinh tế”, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nhận định.

Theo ông, đâu là giải pháp để đổi mới chính sách hiện nay nhằm giúp nông nghiệp thoát khỏi khủng hoảng?

Khi đề cập đến những chính sách đối phó với cuộc khủng hoảng của Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, GS. Ari Kokko, Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) cho biết, mặc dù Trung Quốc làm rất tốt gói kích thích kinh tế nhưng khi giúp 20 triệu lao động, lực lượng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, phải quay về nông thôn thì họ gặp khó khăn. Những đối tượng này khi trở về nông thôn đã không được hút mạnh vào sản xuất nông nghiệp.

Ở Việt Nam, cuối năm 2008, chúng ta có Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, và ngay sau đó một loạt các chính sách, chương trình được triển khai, thực hiện. Chúng ta có giải pháp ngắn hạn xoá đói giảm nghèo đồng thời triển khai các biệp pháp dài hạn để phát triển nông nghiệp.

TS. Đặng Kim Sơn.

Đến thời điểm này, tăng trưởng nông nghiệp tương đối tốt, đây là tín hiệu đáng chú ý.

Ông có bình luận gì khi nói nông nghiệp là “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế?

Nông nghiệp không phải là “đòn bẩy” mà là “phao đỡ”, “hậu phương” và là chỗ dựa cho nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế nhập siêu thì nông nghiệp tạo ra nguồn ngoại tệ mạnh nhờ xuất siêu một số mặt hàng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người mất việc ở đô thị.

Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, cần phải đặt nông nghiệp vào vị trí nào, thưa ông?

Chúng tôi có làm một nghiên cứu, nếu đầu tư 1% GDP vào nông nghiệp, công nghiệp hoặc dịch vụ thì có điều thú vị là đầu tư cho nông nghiệp có tăng trưởng cao nhất. Tại sao lại thế? Nền nông nghiệp của nước ta gắn chặt với các thành phần kinh tế khác, nó tạo cho công nghiệp nguồn nguyên liệu, lao động, thị trường và kinh tế đô thị, vì thế đầu tư vào nông nghiệp là đầu tư rất hiệu quả trong tương lai.

Vậy tại sao các nhà đầu tư vẫn không thiết tha với lĩnh vực này?

Phải nói thẳng rằng, đầu tư vào nông nghiệp mặc dù có tiềm năng nhưng cũng có quá nhiều rủi ro và lợi nhuận thấp. Nguyên nhân là do hạ tầng nông thôn kém, tỷ lệ hao hụt nông sản do thời gian vận chuyển lâu, chi phí vận chuyển tốn kém. Chưa kể đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, kể cả phổ thông lẫn dạy nghề, đều yếu. Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra khó khăn, ngăn cản các nhà đầu tư khi muốn quay về vùng nông thôn. Do đó, muốn thu hẹp khoảng cách thì phải có một loạt các chính sách thực hiện.

Theo ông, chúng ta phải đầu tư gì cho nông nghiệp?

Có 3 điểm mà Nghị quyết Trung ương 7 đã chỉ ra, đó là, muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao mức sống cho nông dân thì phải tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, làm thế nào để đường sá ít nhất cũng phải gần bằng đô thị. Song song với đó là các yếu tố về điện, giao thông liên lạc và thủy lợi cũng phải đảm bảo.

Ngoài ra, phải đào tạo nguồn nhân lực làm sao để trình độ tương đương nhau.

Khâu thứ 3 cần phải chú ý là phát triển khoa học công nghệ. Nếu so với các nước khác trong khu vực thì công nghệ, cơ khí hoá, điện khí hoá của chúng ta vẫn còn đầu tư quá ít. Trước hết, phải cùng nhau hợp sức vượt qua khủng hoảng và chắc chắn vai trò của nông nghiệp là rất quan trọng trong giai đoạn này.

Xin cảm ơn ông!