Hôm qua, Bộ NN-PTNT đã tổ chức tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2010, 5 năm 2006-2010 và triển khai kế hoạch năm 2011 – 2015. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự và chỉ đạo nhiều chính sách quan trọng, đặc biệt là phương hướng quy hoạch dài hơi trong ngành NN-PTNT và chương trình xây dựng NTM.
Được mùa, được giá!
Có lẽ ít năm nào, SXNN nước ta lại vượt qua nhiều khó khăn và đạt được nhiều thành công vượt trội như năm 2010, khi mà suốt trong năm qua, ngành nông nghiệp luôn đối mặt với hàng loạt khó khăn chồng chất, từ hạn hán ngay từ đầu năm, đến dịch bệnh chưa dứt và lũ lụt thiên tai hoành hành dữ dội chưa từng thấy trong vòng 100 năm qua tại miền Trung... Thế nhưng đến lúc này, những người làm nông nghiệp đã có thể thở phào nhẹ nhõm về những kế hoạch đạt được ngoài mong đợi.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2010 đạt 2,8%, cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng trưởng chung của năm 2009 (1,83%). Tính chung giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3,36%, vượt mức chỉ tiêu mà ĐH Đảng X đề ra (từ 3 đến 3,2%). Giá trị SX toàn ngành giai đoạn 2006-2010 cũng tăng bình quân gần 5%/năm (vượt so với kế hoạch ĐH X đề ra là 4,5%).
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: “Có thể nói đây là một năm thành công hiếm thấy của ngành nông nghiệp, khi chúng ta vừa được mùa, được giá trên toàn diện tất cả các ngành SX”.
Đáng chú ý nhất là năm 2010, hầu hết các lĩnh vực SX cơ bản của ngành nông nghiệp như lúa gạo, thủy sản, nghề muối, mía đường, cao su, cà phê... gặt hái hàng loạt thành công vượt trội khi vừa được mùa, vừa được giá. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng của nước ta năm 2010 ước đạt gần 5,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2009 và 30% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010.
Năm 2010, chính sách hỗ trợ DN mua muối tạm trữ, kết hợp với thời tiết hết sức ủng hộ đã giúp diêm dân Việt Nam có thể nở nụ cười sau nhiều năm liền chịu cảnh mặn chát với nghề muối. Không chỉ giá muối được giữ ở mức cao, tổng sản lượng muối năm 2010 đã được đẩy lên hơn 1,2 triệu tấn – tăng 50% so với năm 2009.
Hòa niềm vui với diêm dân, nông dân trồng lúa năm 2010 cũng vô cùng phấn chấn khi giá lúa gạo trên thị trường lẫn XK luôn giữ ở mức cao kỷ lục từ 6-6,5 nghìn đồng/kg. Còn tổng kim ngạch XK toàn ngành năm 2010 đã đạt cao kỷ lục với trên 19 tỉ USD, tăng hơn 22% so với năm 2009, vượt 77% so với mục tiêu ĐH Đảng X đề ra. Không chỉ lúa gạo, kim ngạch XK hàng loạt các mặt hàng khác như thủy sản, lâm sản... đều thành công chưa từng thấy với mức tăng từ 15-30% so với năm 2009.
Cùng với ngành mía đường và cà phê thắng lớn, ông Lê Quang Thung, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, mặc dù diện tích cao su cả nước năm 2010 giảm, tuy nhiên năm 2010 là năm ngành cao su đạt giá tốt nhất từ trước đến nay. Việc mở rộng cao su lên Tây Bắc, hợp tác sang Lào và Campuchia đang có tiến triển vô cùng thuận lợi....
Tổng kim ngạch XK toàn ngành nông nghiệp năm 2010 đạt mức kỷ lục với 19,15 tỷ USD, tăng gần 22,6% so với năm 2009, vượt 77,3% so với mục tiêu ĐH Đảng X đề ra (10,8 tỷ USD). Trong đó, XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2009; thủy sản đạt 4,94 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm 2009; lâm sản và đồ gỗ đạt 3,63 tỷ USD, tăng 29,8% so với năm 2009. Đã có ba mặt hàng có kim ngạch XK trên 3 tỷ USD là thủy sản, đồ gỗ, gạo và mặt hàng cao su đạt trên 2 tỷ USD. XK cà phê và điều cũng có kim ngạch XK trên 1 tỉ USD. Giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân ngành nông nghiệp đạt 17%/năm.
Nhận xét về kết quả của SXNN nước ta năm 2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng phấn chấn: “Quý IV năm nay giá cả tăng mạnh, nhưng đáng mừng nhất toàn lên giá ở lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt tháng 12/2010 mặt hàng lương thực – thực phẩm tăng 5%... Nông dân trồng cao su đã có bình quân thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng. Giá cà phê năm nay đạt tới 40 nghìn/kg, lúa gạo xuất khẩu lên tới 6,8 triệu tấn, giá lúa tới 6,5 nghìn đồng/kg...”.
Lo nhất quy hoạch thủy lợi
Bên cạnh những thành công rực rỡ, thì vấn đề chất lượng của cuộc xây dựng NTM gắn với an sinh xã hội, đặc biệt là thiên tai và biến động ngày càng rõ rệt của khí hậu tới SXNN có lẽ là vấn đề cam go nhất đặt ra cho ngành nông nghiệp năm 2011, giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch dài hơi tiếp theo.
Ông Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố con số đáng buồn là tốc độ tăng trưởng SXNN năm 2010 của tỉnh này ước tính sẽ... âm 4,4% do thiệt hại của hàng loạt thiên tai, mà tiêu biểu là đợt lũ lụt vừa qua tại miền Trung. Ông Sơn cũng lo ngại với thực trạng quy hoạch dân cư, và đặc biệt là quy hoạch của ngành thủy lợi khi nhiều công trình đang có nguy cơ phản tác dụng, mà tiêu biểu như thủy điện Hố Hô.
Chỉ đạo phương hướng phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch, mà trọng tâm là quy hoạch thủy lợi. Theo Phó Thủ tướng, hầu hết hệ thống thủy lợi ở nước ta có hiệu suất sử dụng rất thấp. Đặc biệt là hệ thống thủy lợi và đê điều ven biển đang đặt ra yêu cầu phải rà soát căn cơ và có chiến lược mang tính dài hơi trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu”. “Chương trình quy hoạch và nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang chúng ta đã có rồi. Nhưng chúng ta có nên đặt vấn đề kết hợp với giao thông ven biển hay không? Rồi có người nhận định 100 năm nữa thì nước biển dâng cao 1m, nhưng nếu 50 năm thôi nó đã dâng cao 1m thì sao? Lúc đó bao nhiêu đê kè chống chúng ta đổ bao nhiêu tiền xây dựng sẽ vô ích. Lại có những công trình thủy lợi bây giờ không khéo là biến thành... thủy hại! Bộ NN-PTNT phải rà soát căn cơ, và địa phương cũng phải góp sức vào vấn đề này” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.