Tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, mở rộng liên kết, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân là định hướng chính mà Sở NN-PTNT xác định cho phát triển nông nghiệp- nông thôn trong giai đoạn 2010- 2015 trình UBND tỉnh. Trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp là tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy nhanh phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp, kinh tế trang trại, hợp tác xã trồng trọt - chăn nuôi có trình độ chuyên môn hóa và thâm canh cao; gắn chặt các khâu giống- công nghệ- thị trường trong quá trình sản xuất “… để nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho công nghiệp và xuất khẩu, đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, kể cả công nghệ biến đổi gien” trước mắt là ở các giống cây- con địa phương có ưu thế cạnh tranh cao như rau- hoa, bò sữa, cá nước lạnh... Từ định hướng này, mục tiêu chung mà nông nghiệp Lâm Đồng phải phấn đấu đạt vào năm 2015 là: giá trị sản xuất (giá cố định 1994) tăng 32% so với năm 2010- bình quân đạt 100 triệu đồng/ ha/ năm, thu nhập bình quân đạt 50-60 triệu đồng/ ha/ năm. Để đạt mục tiêu này Lâm Đồng sẽ ổn định diện tích canh tác 280 ngàn ha cây trồng, trong đó 60% diện tích được tưới nước chủ động; khâu làm đất được cơ giới hóa 80% và 40% trong các khâu chăm sóc, bón phân, thu hoạch; đặc biệt, để nâng cao giá trị trên 80% nông sản hàng hóa sẽ phải được qua chế biến trước khi đưa ra thị trường… Cụ thể, trong các năm tới, các địa phương của tỉnh như Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương sẽ tập trung đầu tư ứng dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh từ 45-48 ngàn ha rau (có 2.200 ha khoai tây) và 3.800 ha hoa với các giống rau hoa ôn đới cao cấp, trong đó 20% diện tích rau được sản xuất theo nông nghiệp công nghệ cao và 75% diện tích và sản lượng rau đạt tiêu chuẩn an toàn. Cây chè (25 ngàn ha) và cây cà phê (135 ngàn ha)â sẽ không được mở rộng diện tích mà được tiếp tục đầu tư theo hướng xây dựng các vùng nông sản nguyên liệu an toàn quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến; qua đó, sẽ có khoảng 4.500 ha chè chất lượng cao và chè cao sản được thâm canh theo quy trình Việt Gap; 20% diện tích cà phê hiện có sẽ được thay thế bằng giống cà phê chè, công nghệ ghép cải tạo diện tích cà phê già cỗi bằng các dòng cà phê vô tính có chọn lọc cũng được chú trọng thông qua việc thực hiện Dự án Nâng cao chất lượng cà phê nhằm đưa bình quân năng suất cà phê của tỉnh lên 3 tấn/ ha- tăng hơn hiện nay khoảng 15-20%. Một loại cây địa phương có thế mạnh nhưng đang bị mai một là dâu tằm cũng sẽ được đầu tư khôi phục (với diện tích dự kiến gần 8.300 ha) cùng với phát triển các giống cây trồng mới nhưng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao tại địa bàn như ca cao (5.000 ha), cao su (26 ngàn ha), cây ăn quả(12 ngàn ha với các giống măng cụt, mít nghệ, chôm chôm Thái, bơ ghép, chuối Laba và chanh dây- không mở rộng diện tích hồng và mận). Thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, các địa bàn trọng điểm sản xuất lương thực như Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Đơn Dương, Đức Trọng với 36 ngàn ha lúa bằng thâm canh các giống lúa lai, lúa thuần chủng, quản lý tốt dịch hại kết hợp với nâng cấp các công trình thủy lợi … để đưa năng suất lên trên 50 tạ/ ha/ vụ; duy trì thâm canh 19 ngàn ha ngô lai năng suất cao ở những vùng chưa chủ động nước tưới.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, phấn đấu tăng tỷ trọng chăn nuôi trong toàn ngành từ 14% hiện nay lên 26% vào năm 2015; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 12-13%/ năm với các giống vật nuôi chính như bò sữa, bò thịt, heo nạc, gà công nghiệp và cá nước lạnh. Các biện pháp để phát triển chăn nuôi chủ yếu là đầu tư cho chăn nuôi tập trung và sản xuất hàng hóa lớn theo phương pháp công nghiệp với quy mô phù hợp và an toàn dịch bệnh, trong đó 80% cơ sở chăn nuôi tập trung phải được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm theo Vie65tGap, 90% cơ sở giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn GMP, HACCP…
Định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững từ nay tới 2015 và các năm tiếp theo của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT đều gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng; ưu tiên đúng mức cho công tác nghiên cứu và chuyển giao KHKT cho nông dân, định hướng cho nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường nhằm ổn định cho được khâu tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và tăng hiệu quả sử dụng đất