00:00 Số lượt truy cập: 2626991

Nông nghiệp Nhật Bản: Cần một cuộc cải cách 

Được đăng : 03/11/2016
Ngành nông nghiệp Nhật Bản đang suy yếu do hiện tượng “già hóa” dân số ở nông thôn và diện tích đất canh tác bỏ hoang ngày càng gia tăng. 


Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thúc đẩy mạnh mẽ chính sách kinh tế với ba trụ cột chính: nới lỏng chính sách tiền tệ một cách quyết liệt, chi tiêu công một cách linh hoạt và thúc đẩy chiến lược tăng trưởng. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu chính quyền Abe có đưa biện pháp quyết liệt để cải cách ngành nông nghiệp vốn đang thiếu sức cạnh tranh vào chiến lược tăng trưởng mới hay không, bởi đây là vấn đề hết sức nhạy cảm về chính trị. 

Không thể tự cung, tự cấp 

Theo số liệu thống kê năm 2005, Nhật Bản có 380.000ha đất nông nghiệp bỏ hoang, chiếm 8% tổng diện tích đất nông nghiệp và tăng mạnh so với khoảng 130.000ha trong giai đoạn 1975-1985. 

Tình trạng thiếu lao động và hiện tượng “già hóa” lao động trong ngành nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng diện tích đất hoang hóa. Năm 2010, độ tuổi trung bình của lao động trong ngành nông nghiệp ở Nhật Bản là 70, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác ở châu Á. 

Hệ quả là Nhật Bản không thể đảm bảo tự cung, tự cấp về lương thực. Năm 2006, tỷ lệ tự cung, tự cấp lương thực (căn cứ vào chỉ tiêu calorie) của Nhật Bản rơi xuống mức 39%. Trong khi tỷ lệ này tại Pháp là 130%, Hoa Kỳ 119%, Đức 91% và Anh 74%. 

Mặt khác, do khả năng cạnh tranh thấp nên ngành nông nghiệp Nhật Bản được bảo hộ ở mức độ khá cao. Chính sách bảo hộ nông nghiệp đã được chính phủ nước này theo đuổi từ lâu, bất chấp có những lời chỉ trích và hành động phản ứng gay gắt từ phía các đối tác kinh tế. 

Sức ép cải cách

Các chuyên gia phân tích, Nhật Bản cần phải cải cách ngành nông nghiệp một cách quyết liệt bởi Tokyo dự định tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 7 tới. 

Giáo sư Masayoshi Honma (Đại học Tokyo) nhận định, nếu tham gia TPP, Chính phủ Nhật Bản phải dỡ bỏ chương trình bảo hộ dành cho nông dân. 

Theo nhật báo Nikkei, đầu năm nay, một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn bắt đầu kêu gọi cải cách sâu rộng trong ngành nông nghiệp, cho phép công ty cổ phần sở hữu đất nông nghiệp và giảm bớt sự điều chỉnh trong sản xuất, vốn đẩy giá nông sản lên quá cao. 

Luật Đất nông nghiệp ở Nhật Bản quy định những điều kiện rất chặt chẽ đối với việc sở hữu đất nông nghiệp của doanh nghiệp. Bất kỳ một tập đoàn sở hữu đất nông nghiệp nào cũng phải có phần lớn ban giám đốc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ít nhất 150 ngày/năm. Tuy nhiên, điều này đang hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Trong cuộc họp của nhóm công tác trực thuộc Chính phủ về cạnh tranh trong ngành công nghiệp vừa diễn ra, Bộ Nông – Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đề xuất cho phép chính quyền các tỉnh “mượn” đất bỏ hoang có thể canh tác được của hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ để cho hộ sản xuất quy mô lớn và tập đoàn nông nghiệp thuê lại. Các khu vực sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sẽ tập trung thành một cụm quy mô lớn, giúp gia tăng khả năng cạnh tranh. 

Theo Giáo sư Honma, việc Nhật Bản bước vào đàm phán TPP sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình cải cách nông nghiệp và Tokyo sẽ cần chính sách tập trung đất đai cho những nông dân thực sự có khả năng.