00:00 Số lượt truy cập: 3078867

Nông nghiệp Việt Nam trước thực trạng biến đổi khí hậu: Không thể “dậm chân tại chỗ” 

Được đăng : 03/11/2016
Dự báo, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng lên 9,1 tỷ người, tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển. Bên cạnh việc tăng dân số thì các quốc gia trên thế giới còn phải đối mặt với nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn hán, lốc, bão, sự xâm mặn của nước biển...

Những hiện tượng khí hậu đó sẽ gây tác động rất lớn, uy hiếp an ninh lương thực mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đó cũng chính là chủ đề hội thảo "An ninh lương thực và biến đổi khí hậu" vừa diễn ra tại Hà Nội, với kịch bản dự báo nước biển sẽ dâng thêm 1m vào cuối thế kỷ XXI.

Với kịch bản dự báo nước biển sẽ dâng thêm 1m vào cuối thế kỷ XXI thì hai vựa lúa lớn nhất Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long bị thu hẹp, gây giảm sút đáng kể sản lượng lương thực.

Ông Phan Huy Thông, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, biến đổi khí hậu có thể làm sản lượng nông sản, giảm đến 50%. Hạn hán, bão, lốc trong những năm vừa qua đã phần nào cho thấy ảnh hưởng BĐKH tới sản xuất nông nghiệp. BĐKH sẽ làm giảm khả năng sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng. BĐKH cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh sản, sinh trưởng, làm tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.

Trước những tác động mà ngành nông nghiệp phải chịu do BĐKH gây ra, nhiều nhà khoa học cho rằng, để bảo đảm an ninh lương thực, ổn định đời sống cho người dân, các quốc gia cần sớm ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Theo ông Andrew Speedy, Trưởng Đại diện Tổ chức Lương - Nông của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Khi dân số thế giới tăng, yêu cầu lương thực sẽ tăng cao, đặc biệt là gạo. Nếu tới năm 2050, dân số thế giới đạt khoảng 9 tỷ người, thì Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho các quốc gia nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, nếu sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn chỉ "dậm chân tại chỗ" như hiện nay thì vai trò cung cấp lương thực cho các nước khác là khá xa. Ông Andrew cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt sản lượng lương thực gấp đôi so với hiện nay nếu áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chăn nuôi. Ông đơn cử như việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen. Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT Phan Huy Thông nhấn mạnh thêm, Việt Nam cần sớm có các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất cây trông, vật nuôi, thủy sản... Từ việc chọn giống, đến công nghệ sản xuất, sử dụng phân bón sạch, ít ảnh hưởng đến môi trường cần được chú trọng, quan tâm. Nên sản xuất những loại phân bón ít bay hơi, khó bị rửa trôi, sử dụng các công nghệ tưới bón một cách khoa học, đi vào công nghệ nano với các phần tử phân bón rất nhỏ, thấm nhanh qua màng tế bào.

Song song với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, theo ông Phan Huy Thông, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm làm giảm tổn thất trong và sau thu hoạch lúa, coi đó là một trong những bước giải của bài toán an ninh lương thực. Thống kê cho thấy, sau mỗi vụ lúa, tổn thất thu hoạch ở nước ta vẫn còn rất lớn, từ 13-15%. Bộ NN&PTNT đã có đề án giảm tổn thất trong và sau thu hoạch. Theo đó, đến năm 2020, tổn thất trong nông nghiệp sẽ giảm xuống dưới 8%. Nếu khắc phục được tổn thất ở hai khâu này, sản lượng lương thực dự trữ sẽ tăng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia.