Nông nghiệp giữ
Được đăng : 03/11/2016
Năm 2008, sản lượng lúa đạt mức cao nhất từ trước đến nay và đây là một điểm sáng trong bức tranh tổng thể về nông nghiệp - ngành sản xuất đã duy trì được “phong độ” trong một năm đầy khó khăn thách thức.
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đưa ra tại Hội nghị Nhóm hỗ trợ quốc tế (ISG) diễn ra tại Hà Nội ngày 18/11, tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp năm 2008 ước đạt 3,6%, trong khi năm 2007 chỉ là 3,4 %; bất chấp những thách thức dồn dập từ sự phức tạp bất thường của thời tiết, bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trong khi xăng dầu và vật tư nông nghiệp tăng giá mạnh.
Riêng cây lúa, với 38,6 triệu tấn, sản lượng đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng khoảng 2,6 triệu tấn so với năm 2007. Điều này cho phép Việt Nam đảm bảo được an ninh lương thực và xuất khẩu được trên 4,5 triệu tấn gạo trong khi thế giới đứng bên bờ vực của khủng hoảng lương thực.
Đối với các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, năm 2008 cũng là một năm được mùa và thắng lớn về xuất khẩu do mặt bằng giá xuất khẩu thế giới tăng. Sản lượng cà phê đạt khoảng 980.000 tấn, cao su khoảng 641.000 tấn, hồ tiêu khoảng 92.000 ngàn tấn, chè 731.000 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 16,35 tỷ USD, tăng xấp xỉ 30% so với năm 2007. Các mặt hàng chủ lực vẫn duy trì ngôi vị trong nhóm đứng đầu thế giới và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kinh tế thủy sản cũng tiếp tục phát triển theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ và chuyển hướng nuôi trồng sang phương thức sản xuất hàng hóa. Tổng sản lượng thủy sản năm 2008 ước đạt 4,25 triệu tấn, tăng so với năm 2007.
Trong lâm nghiệp, năm 2008 đã có thêm trên 200.000 ha rừng tập trung được trồng mới và độ che phủ rừng ước đạt 38,8%. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ rừng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rừng sản xuất.
Những thành quả trong sản xuất nông nghiệp và nỗ lực thực hiện các chương trình tăng đầu tư cho thủy lợi, phát triển khoa học, công nghệ trong chế biến nông lâm sản đã đóng góp tích cực vào đa dạng hóa kinh tế nông thôn, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt tới trên 40%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực này giảm còn 13% năm 2008 so với 15,4% năm 2006.
Mục tiêu nhằm tới của ngành nông nghiệp trong năm tiếp theo là ổn định diện tích trồng lúa ở mức xấp xỉ 7,5 triệu ha, sản lượng đạt khoảng 39 triệu tấn; quy hoạch các vùng trồng rau quả tập trung và đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được đặt mục tiêu tăng khoảng 12%. Đối với ngành chăn nuôi, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được đề cao, bên cạnh mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 8-8,5%.
Về lâu dài, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn theo đuổi mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được đặc biệt coi trọng để đưa tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đến năm 2010 lên 30%./.