00:00 Số lượt truy cập: 3071275

Nông nghiệp hậu WTO: Việt Nam được áp dụng chính sách hỗ trợ nào? 

Được đăng : 03/11/2016
Cuối tháng 11 này, Quốc hội (QH) sẽ phê chuẩn văn kiện gia nhập WTO của VN. Các cam kết mở cửa thị trường sẽ tác động thế nào tới lĩnh vực nông nghiệp và trực tiếp là cuộc sống của hơn 75% dân số là vấn đề được các đại biểu quan tâm.


Đây cũng là lý do để Văn phòng QH tổ chức Hội thảo "Gia nhập WTO: Thuận lợi, thách thức và vai trò của QH" trong hai ngày 13-14.11.

Chính sách "hộp xanh"

Theo bà Phạm Thị Tước - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT), thành viên trực tiếp đàm phán trong lĩnh vực nông nghiệp - VN đã giành được một số kết quả có lợi như mức thuế cuối cùng là 21%, chỉ giảm so với hiện tại 10,6%, trong khi Trung Quốc phải giảm tới 16,7% và các nước đang phát triển tại vòng đàm phán Uruguay phải giảm tới 30%.

Ngoài ra, VN sẽ được áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan với 4 mặt hàng quan trọng là trứng, đường, thuốc lá và muối. Việc tham gia xuất nhập khẩu gạo của DN nước ngoài chỉ bắt đầu từ năm 2011.

Về các cam kết xoá bỏ hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, quy định của WTO chỉ cấm đối với các trợ cấp gắn với tiêu chí xuất khẩu như trợ cấp trực tiếp cho người sản xuất hàng xuất khẩu, tài trợ các khoản chi trả cho xuất khẩu... Theo bà Tước, các hỗ trợ trong nước như các khoản hỗ trợ chung cho nông nghiệp, cho sản phẩm hoặc vùng cụ thể không tính đến yếu tố xuất khẩu thì các thành viên được tự do áp dụng, được gọi là nhóm chính sách "hộp xanh" (blue box và green box).

Ngay đối với những chính sách liên quan đến trợ giá XK bị cấm trong WTO - chính sách "hộp đỏ" (amber box) - các nước đang phát triển như VN cũng có sự ưu tiên nhất định. Các hỗ trợ xuất khẩu chỉ bị cấm khi vượt quá 10% giá trị sản lượng của sản phẩm được hỗ trợ.

Thực tế, các trợ cấp đang áp dụng như thưởng XK, trợ lãi suất thu mua dự trữ gạo, càphê, bông, bù lỗ XK của VN cũng mới chỉ đạt 4,9%, tức là còn xa so với ngưỡng giới hạn. Ước tính cho thấy nếu sử dụng hết 10% như quy định của WTO, mỗi năm VN có khoản ngân sách hỗ trợ trực tiếp lên tới 16.000 tỉ đồng.

Hỗ trợ phải trực tiếp đến tay người nông dân

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, VN hiện mới sử dụng được 84,5% ngân sách của các chính sách này, trong đó riêng xây dựng kết cấu hạ tầng chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên vướng mắc hiện nay là các khoản hỗ trợ của VN chủ yếu vẫn thông qua các DN thu mua và người nông dân chỉ là đối tượng thụ hưởng gián tiếp. Hình thức này bị cấm trong WTO. Đây là vấn đề mang tính lịch sử vì ngành nông nghiệp của VN phát triển quá manh mún, các hỗ trợ khó đến tay người nông dân một cách hiệu quả.

Theo bà Tước, thời gian tới các chính sách cần tập trung vào những hỗ trợ mang tính căn cơ như hỗ trợ nghiên cứu khuyến nông, kiểm soát dịch bệnh, tăng cường hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cho nông thôn... Việc áp dụng những chính sách hỗ trợ này có tác dụng cơ bản đối với nền nông nghiệp, giúp người dân nâng cao năng lực sản xuất cũng như tính cạnh tranh chung của ngành.

Đặc biệt, những hoạt động như xúc tiến thương mại, ưu đãi cước phí vận tải hàng XK, tạo thuận lợi về thủ tục, chi phí kho bãi... cần được tiến hành thường xuyên. Đối với một số chính sách "hộp đỏ" như hạn ngạch, quản lý XNK các mặt hàng chuyên ngành, theo quy định của WTO, VN không thể tuỳ tiện áp dụng mang tính đối phó nhất thời, mà buộc phải có chính sách tổng thể về diện mặt hàng, vì phải thông báo cho đối tác cũng như chứng minh được sự thiệt hại đối với sản xuất trong nước.

Một số dạng hỗ trợ chính của chính sách "hộp xanh":

- Trợ cấp nghiên cứu, khuyến nông, đào tạo, xây dựng CSHT nông nghiệp, phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

- Trợ cấp chuyển dịch cơ cấu NN thông qua chương trình chuyển mục đích sử dụng đất.

- Trợ cấp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nội ngành như chuyển đổi giống cây trồng.

- Trợ cấp đầu tư theo các hình thức vay ưu đãi, hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ lãi suất.

- Trợ cấp vật tư đầu vào cho người nghèo, thu nhập thấp hoặc nông dân ở vùng khó khăn.

- Trợ giúp các vùng khó khăn, kém phát triển, hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai.