Nhằm cảnh báo người dân thận trọng hơn với các loại cây trồng biến đổi gien, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ký ban hành luật yêu cầu dán nhãn thực phẩm có chứa các thành phần biến đổi gien (GMO). Theo đó, các nhà chế biến thực phẩm buộc phải dán nhãn nhận biết thực phẩm GMO bằng chữ, ký hiệu hoặc mã điện tử có thể đọc được bằng điện thoại thông minh.
Mỹ hiện là một trong những nước sản xuất thực phẩm GMO nhiều nhất thế giới, với 80% loại thực phẩm có nguồn gốc GMO. Các loại cây nông nghiệp như ngô, đậu nành và củ cải đường được áp dụng công nghệ này trong nhiều năm qua vì nông dân Mỹ cho rằng, những loại cây trồng gốc GMO có khả năng chống chọi với sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt. Các loại hạt giống GMO được tạo ra với nhiều mục đích như tăng khả năng kháng lại sâu bệnh hoặc để cây trồng cứng cáp hơn, sản phẩm thu được có màu sắc đẹp hơn, vòng đời lâu hơn hoặc cho ra đời những loại thực vật không hạt như dưa hấu và nho…
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) từng khẳng định, thực phẩm GMO là an toàn. Tuy nhiên, các thực phẩm đã qua công nghệ GMO đang gây tranh cãi tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. Những người phản đối cho rằng những sản phẩm này không an toàn đối với sức khỏe của con người và động vật, gây ra nhiều hậu quả đối với môi trường sinh thái do sử dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp. Charles Benbrook, nhà nghiên cứu hữu cơ thuộc Trường Đại học bang Washington nhận định: “Không có bằng chứng thuyết phục rằng thực phẩm GMO an toàn”. Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học tại Châu Âu và Nga cho thấy, những con chuột ăn thức ăn nguồn gốc GMO đã chết sớm vì những dị tật. Những nghiên cứu này chỉ ra rằng, thực vật GMO tạo ra các protein khác thường.
Trước tình hình này, Liên hợp quốc (LHQ) cũng đã gióng lên hồi chuông khẩn cấp cảnh báo rằng thế giới cần quay lại với canh tác hữu cơ để phát triển một hệ thống nông nghiệp bền vững hơn, tự nhiên hơn. Ấn phẩm mới nhất từ Ủy ban Thương mại và Phát triển của LHQ (UNCTAD) có tên “Nhìn lại thương mại và môi trường năm 2013: Thức tỉnh trước khi quá muộn” đã có sự đóng góp của hơn 60 chuyên gia trên khắp thế giới. Bản báo cáo đã chỉ ra một điều thiết yếu rằng, việc canh tác hữu cơ dựa trên mô hình nhỏ là câu trả lời cho vấn đề “nuôi sống thế giới”, không phải là thực phẩm GMO và chuyên canh.
Trên thực tế, thực phẩm hữu cơ từ lâu đã được xem là thị trường nhỏ và xa xỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Nhưng các nhà khoa học lại cho rằng, chỉ với sự chuyển dịch phần lớn nền nông nghiệp sang phương thức canh tác hữu cơ mới có thể vừa hạn chế tình trạng đói nghèo trên thế giới vừa góp phần cải thiện môi trường. Xu hướng tiêu dùng hữu cơ cũng đang được ủng hộ khi thực phẩm hữu cơ ban đầu chỉ chiếm từ 1 đến 2% lượng bán ra trên thế giới nhưng đến nay trên đà phát triển nhảy vọt ở cả các nước phát triển cũng như đang phát triển.
Các kết quả nghiên cứu của Pháp về nông nghiệp hữu cơ cho thấy, khi quay về phương thức canh tác tự nhiên truyền thống, nông dân sẽ không phải tốn tiền mua thuốc và phân bón hóa học, đồng thời có thể đa dạng hóa mùa vụ và canh tác theo hướng bền vững. Hơn nữa, nếu nông sản được chứng nhận là thực phẩm hữu cơ, nông dân có thể xuất khẩu với giá cao hơn nông sản thông thường. Châu Âu và Bắc Mỹ hiện là hai thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ nhiều nhất thế giới với nhu cầu không ngừng tăng. Nông nghiệp hữu cơ hiện đã có mặt tại 130 quốc gia và ngày càng được nhận thức là sự đầu tư bền vững cho sức khỏe con người vì một tương lai xanh và sạch.
Thùy Dương