Bắt đầu từ tu duy Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là một trong những phương pháp canh tác tiên tiến và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng do không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất độc hại. Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích như duy trì và bảo vệ toàn bộ độ phì nhiêu của đất; ít gây ô nhiễm nguồn nước; bảo vệ đời sống hoang dã của các loài chim, ếch, nhái, côn trùng...; tính đa dạng sinh học cao và tạo dựng được nhiều cảnh quan đẹp; đối xử tốt hơn đối với các động vật nuôi cũng như con người; ít sử dụng năng lượng và đầu vào không có khả năng phục hồi từ bên ngoài; ít dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm; không có chất kháng sinh và hoócmôn trong các sản phẩm động vật; chất lượng sản phẩm tốt hơn, sạch hơn, an toàn hơn. Nông nghiệp hữu cơ sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, bởi những đòi hỏi của thị trường, người tiêu dùng khiến nông dân phải tính đến chuyện làm ra những sản phẩm chất lượng hơn, năng suất cao hơn. Mà muốn thế phải nhờ đến nông nghiệp hữu cơ. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn quan niệm nông nghiệp hữu cơ phải là nhà lưới, nhà kính hoành tráng, phải là công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại... nhưng tôi lại nghĩ khác. Những điều đó đúng nhưng không phải là tất cả, bởi nông nghiệp hữu cơ bắt nguồn từ chính tư duy muốn đổi mới của nông dân. Khi đã có tư duy ấy, tự khắc mỗi người đều ý thức được việc sản xuất ra những sản phẩm nông sản chất lượng. Nói đâu xa, ngay việc trồng rau an toàn, nuôi gà hữu cơ, sạch, an toàn cũng là những bước đi đầu tiên của nông nghiệp hữu cơ. Tôi lấy ví dụ về dự án áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở xã Thanh Hải (Lục Ngạn - Bắc Giang). Bắt đầu từ đầu năm 2006, 20 hộ nông dân ở xã Thanh Hải tham gia dự án sản xuất vải thiều trên quy mô khoảng 10ha. Các hộ nông dân đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác như sản xuất phân bón (phân ủ) tại chỗ; nuôi các loài côn trùng có ích và giữ gìn đa dạng sinh học; chỉ sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại; thiết kế khu vườn trồng bằng cắt tỉa, tạo tán; áp dụng hệ thống luân canh và trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày khác... Đến nay, mô hình này đang được duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả, ngày càng có nhiều hộ nông dân địa phương tự nguyện áp dụng vào sản xuất do có nhiều lợi ích như chất lượng quả vải thiều cao hơn, bán được giá cao hơn (chẳng hạn vụ vải năm 2008 bán được khoảng 7.000 đồng/kg, gấp 1,5-2 lần so với canh tác truyền thống), được tiêu thụ tốt hơn, đồng thời tăng độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, một ưu điểm đáng chú ý khác của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là thực hiện PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia của các thành viên), tức là, nếu các đơn vị, doanh nghiệp thu mua nông sản theo dự án còn băn khoăn về ưu điểm và lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì có thể trực tiếp tham gia dự án và tự áp dụng quy trình sản xuất cũng như giám sát chất lượng sản phẩm của chính mình. Để mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành công phải đảm bảo 5 nguyên tắc: Bảo toàn sinh thái vùng sản xuất, làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, sử dụng biện pháp cơ học cùng chu trình tự nhiên, ngăn ngừa sự ô nhiễm từ bên ngoài và tự cấp vật liệu sản xuất. Từ dẫn chứng ở trên có thể thấy, làm nông nghiệp hữu cơ không hề khó, quan trọng nhất vẫn là sự đồng lòng của nông dân, họ có thuận theo và có thực sự muốn thay đổi cách sản xuất, canh tác hay không. Tất nhiên, sự dẫn đường, chỉ lối của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp là yếu tố cần thiết cho sự thành công. Vai trò của người dẫn đường Không phải chỉ khi có Nghị quyết 26 của Ban chấp hành T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì HLV Việt Nam mới nhắm đến chủ trương sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Từ nhiều năm trước, chúng ta đã có các chương trình, dự án khuyến viên hướng dẫn bà con sản xuất. Chính vì vậy, HLV Việt Nam là một trong những đơn vị có khá nhiều kinh nghiệm trong công tác này. Như tôi đã nói ở trên, dù ưng ý với cách làm mới đến mấy mà không có sự giúp sức của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nông dân thật khó xoay Sở. Trước mắt, chúng ta chỉ nên chọn những sản phẩm chủ lực để canh tác hữu cơ, như: rau thơm, càphê, tiêu, điều... Mỗi loại cây trồng và giống cây trồng đều có nhu cầu riêng. Các loại cây trồng khác nhau bị ảnh hưởng một cách khác nhau, phụ thuộc vào loại đất trồng, khí hậu, độ cao... Vì canh tác theo phương pháp hữu cơ tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu nên chưa thể tiến hành một cách ồ ạt mà phải có sự chọn lựa, chọn lọc sản phẩm. Bà con có thể áp dụng một số cách làm trong sản xuất hữu cơ vào sản xuất thực tế như: sử dụng phân xanh thay cho phân hoá học; tận dụng thiên địch, trồng xen canh các loại cây khác nhau để phòng trừ dịch hại; bảo vệ chất lượng đất, không đốt rơm rạ; tái chế dinh dưỡng, sử dụng hiệu quả. Muốn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được người tiêu dùng chấp nhận, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ. Tiêu chuẩn hữu cơ rất quan trọng vì chúng chỉ ra rằng, thực phẩm là an toàn, có lợi cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, thật khó để nông dân có thể mở rộng diện tích canh tác, tiếp cận và mở rộng thị trường... Thời gian tới, HLV Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các chi Hội cũng như hội viên về mặt kỹ thuật thông qua các chương trình, dự án, hoặc các mô hình thực tế. ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền chúng tôi sẽ có một mô hình tương thích để bà con đánh giá, rút kinh nghiệm học hỏi. Bởi học qua sách vở chỉ là cách tiếp nhận kiến thức thụ động, học qua mô hình mới là cách làm bền vững và hiệu quả nhất. Điều đáng tiếc nhất hiện nay là các mô hình làm vườn của chúng ta còn khá manh mún, nhiều người có diện tích lớn lại gặp khó về các điều kiện để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Những vùng miền thích ứng nhanh hơn với công nghệ lại không có quỹ đất để phát triển. Đây cũng chính là bài toán nan giải nhất mà chúng ta không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Vì thế, nông nghiệp hữu cơ cần được đặt trong một kế hoạch dài hạn, xứng tầm và thực hiện từng bước một. Cần sự góp sức của cả cộng đồng chứ không riêng gì tổ chức, cá nhân nào. Nhà nước đóng vai trò quan trọng, nhưng ngược lại, nông dân cũng phải tự nhận thức được quyền lợi, trách nhiệm của mình mới mong thay đổi được cách nhìn khác của thế giới về nông nghiệp Việt Nam, từ đó, sản phẩm nông sản của chúng ta mới được đánh giá đúng và chiếm lĩnh bền vững thị trường. |